Những năm gần đây, cứ đến những dịp lễ, Tết được nghỉ dài ngày là lại rộ lên 2 luồng quan điểm - đi du lịch hay ở lại nhà. Người đi thì cho rằng đây là dịp không thể tốt hơn để sạc lại nguồn năng lượng bị bào mòn bởi những ngày làm việc trước đó; đồng thời được trải nghiệm những gì mới chỉ được nghe nói qua sách vở. Người ở lại nhất quyết phản đối vì ai cũng đi như thế thì đông chết, chỉ tổ hành xác vì chen lấn và bị chặt chém các kiểu…
Tùy điều kiện, hoàn cảnh cá nhân mà mỗi người có thể chọn đi du lịch nơi xa….
“Cuộc chiến” giữa 2 luồng quan điểm đôi khi dữ dội đến mức phe này cho phe kia là lạc hậu, cổ hủ và sai lầm, sẵn sàng công kích nặng lời với những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách khách quan, nhiều người hẳn sẽ rất bất ngờ bởi kết quả cho thấy… cả hai đều có phần đúng.
Chị Hà công tác trong ngành Giáo dục, chồng chị là cán bộ lãnh đạo của một đơn vị công an. Mặc dù có thu nhập khá tốt, có thể đi du lịch trong nước, thậm chí nước ngoài mà không phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề chi phí nhưng dịp nghỉ lễ 30/4 -1/5 này, chị Hà quyết định cả gia đình sẽ ở nhà nghỉ ngơi.
Lý do là với chị, du lịch là để nghỉ ngơi, “sạc” lại sức khỏe, gắn kết tình cảm gia đình; còn nếu phải chen chúc, rồi có khi bị chặt chém, chưa kể vấn nạn tắc đường… thì ở nhà vẫn hơn - chị Hà chia sẻ.
Theo chị Hà, không cần trải nghiệm thực tế, chỉ cần qua các phương tiện truyền thông là có thể thấy, vào mỗi dịp nghỉ lễ, nhiều địa điểm du lịch, nhất là những nơi nổi tiếng hút khách đều rơi vào tình trạng quá tải. Từ đó phát sinh rất nhiều vấn đề, từ chất lượng cho đến giá cả các dịch vụ.
Chị Hà dự định cả gia đình sẽ ở nhà để nấu những bữa ăn ngon cùng nhau, đi chơi ở một số địa điểm gần nhà. “Tất nhiên gia đình tôi vẫn sẽ có những chuyến đi du lịch dài ngày, nhưng thường thì tôi và chồng sẽ xin nghỉ phép. Đi chơi vào những ngày thường sẽ tránh được tình trạng quá tải, đông đúc, gia đình tôi sẽ thực sự được tận hưởng được những giá trị mà du lịch mang lại” - chị Hà bày tỏ ý kiến.
Anh Tuấn, cán bộ một cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên là tín đồ của chủ nghĩa xê dịch thì nhất quyết cho rằng chỉ cần có cơ hội là xách ba lô lên đường. “Nghỉ đến dăm bảy ngày mà còn không đi thì đợi đến bao giờ. Vả lại, vui hay buồn, hài lòng hay khó chịu do suy nghĩ của chính mình chứ khách quan đâu thể chi phối hết…”!
... hoặc tự thưởng cho mình những bữa tiệc ấm cúng gần nhà bên bạn bè và người thân
Theo anh Tuấn, những người làm nghề tự do còn có thể thoải mái lựa chọn cho mình những kỳ nghỉ hay chuyến đi đến bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào trong năm, miễn là phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Riêng với đội ngũ cán bộ công chức như anh, không phải muốn nghỉ lúc nào cũng được. Chính vì vậy, rảnh lúc nào là anh lên đường lúc đó, chỉ cần nghiên cứu kỹ điểm đến sẽ mang lại những trải nghiệm đáng giá nhất.
Khách quan cho thấy, đi du lịch trong các ngày nghỉ lễ, chúng ta có thuận lợi lớn nhất là đươc nghỉ nhiều ngày (đặc biệt trong dịp lễ lớn như 30/4 - 1/5 hoặc 2/9), cả nhà có thể cùng nhau đi du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta sẽ phải đối đầu với nhiều khó khăn như giá cả dịch vụ tăng vọt, phương tiện vận chuyển, nơi ăn, chốn ở đều bị hạn chế vì lượng khách đông gấp nhiều lần so với ngày thường. Hầu hết các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan đến tàu thuyền, xe cộ và cả hướng dẫn viên đều quá tải… Hậu quả cuối cùng du khách và gia đình là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Để có được một chuyến du lịch hiệu quả nhất, dù vào thời điểm nào trong năm chúng ta cũng cần tham khảo trước về các dịch vụ tại nơi mình sắp đến. Đặc biệt là kiểm tra kỹ lưỡng vấn đề giá cả và chất lượng dịch vụ nơi mình định đến. Thông thường, vào các ngày lễ lớn, các loại hình dịch vụ sẽ tăng khoảng 30-40%. Cũng không ít nơi lợi dụng thời điểm này để tăng giá cả lên đến 50-70%. Không ít các trường hợp du khách đã đặt chỗ và thanh toán trước tiền phòng nhưng khi đến nơi chỉ còn biết ngậm ngùi nhận lại tiền phòng chỉ vì có khách khác trả giá phòng cao hơn.
Hiện nay, ở các điểm tham quan du lịch thu hút đông khách vào các dịp lễ đã có những đường dây nóng để du khách có thể phản ánh và góp ý với ban quản lý. Vì vậy, du khách nên tra cứu kỹ các thông tin này trước khi đến bất kỳ đâu. Nó sẽ thật sự hữu ích cho mọi người.
Tựu chung lại, đi hay không đi du lịch vào những dịp lễ, Tết tùy thuộc phần lớn vào điều kiện cụ thể của từng cá nhân hoặc tập thể. Nó có thể mang lại niềm vui cho người này nhưng rất dễ là cơn ác mộng của người khác. Chính vì vậy, chỉ người trong cuộc mới có thể biết được mình nên làm gì trong mỗi tình huống nhất định chứ đừng vội phán xét ai đó.
Bài, ảnh: Quang Nam