Những câu phương ngôn, tục ngữ từ xa xưa của cha ông ta thường rất ngắn gọn, súc tích, tuy ý nghĩa thâm thúy nhưng cách diễn tả lại vô cùng giản dị, dễ hiểu. Câu nói “Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” là một ví dụ điển hình.
Nói không với bệnh thành tích là chủ trương lớn của ngành Giáo dục đã và đang được triển khai sâu rộng ở Vĩnh Phúc những năm qua.
Về trực quan, ai cũng hiểu ngay nghĩa đen của câu này là cái tốt đẹp hãy phô ra cho mọi người biết, chớ đem cái xấu ra khoe khoang kẻo mà “xấu chàng thì hổ ai”.
Vâng, nghĩa đen mười mươi như thế, tưởng chả nói thì ai cũng biết nhưng ngẫm kỹ mới thấy thực tế không hẳn như vậy. Bởi không phải tự nhiên mà các cụ ngày xưa lại phải đúc kết lại để căn dặn con cháu cách hành xử sao cho chuẩn mực ở đời.
Thường gặp nhất là tình trạng khoe khoang “cái tốt” của mình và bêu cái xấu của thiên hạ nhằm mục đích phô trương cá nhân và hạ thấp người khác. Trong trường hợp này là cố tình hiểu sai, thực hiện sai lời dạy của cổ nhân bởi người tốt thật chẳng bao giờ lấy cái xấu của người khác làm điều vui. Do đó, “cái tốt” mà người đó khoe ra chỉ là cái tốt giả, không đáng để khoe.
Nguy hiểm hơn, những người có kiến thức nông cạn, suy nghĩ lệch lạc, tư tưởng dễ dao động thường bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động để thực hiện những mưu đồ thâm độc làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Thực tế cho thấy, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có những ưu điểm song hành cùng hạn chế. Tuyệt đối không có quốc gia nào hoàn thiện tất cả mọi mặt, từ thể chế cho đến các chính sách an sinh xã hội. Vậy nhưng, một số người chỉ tìm cách bới ra những cái còn hạn chế chưa khắc phục kịp của dân tộc mình, đất nước mình để đưa ra cho thiên hạ biết. Họ nhất quyết không thừa nhận những gì tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đã mang lại cho Tổ quốc, cho nhân dân suốt bao nhiêu năm qua.
Nếu có khoe, họ lại chỉ khoe những “huy hoàng” giả tạo mà người dân được “hưởng” dưới thời đất nước còn rên xiết dưới ách đô hộ thực dân phong kiến hay chịu sự nô dịch về mọi mặt của các thế lực đế quốc ngoại bang xâm chiếm mà cố tình quên rằng hòa bình xấu còn hơn chiến tranh tốt, rằng làm gì có niềm vui nào dù lớn dù nhỏ khi thân còn mang kiếp nô lệ…
Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng những quan điểm như trên để tác động chuyển hóa nội bộ, gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” ở nước ta; kích động biểu tình, phá rối an ninh, trật tự, gây bạo loạn nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội và an ninh trật tự ở Việt Nam. Qua đó tìm cách hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị xã hội, làm suy yếu, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta….
Trong đời sống hằng ngày, để phân biệt được cái nào tốt, cái nào xấu đã là việc khó, cư xử với nó làm sao cho hợp lý còn khó hơn bởi khách quan mà nói, tâm lý “Tốt khoe, xấu che” của người Việt ta có tính hai mặt, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc hoàn cảnh và liều lượng sử dụng.
Với cái xấu, lúc nào cũng phô phang là điều nên tránh, nhưng nếu cứ máy móc áp dụng kiểu phải đậy lại bằng được thì đôi khi thành phản tác dụng. Vì làm thế khác nào bảo vệ, nuôi dưỡng cái xấu. Do vậy, trong trường hợp cần thiết, dù không khoe nhưng cái xấu cần phải được nhận diện kịp thời, chính xác và có phương án xử lý, giải quyết triệt để, tránh phát sinh thành thói quen có hại và tiềm ẩn nguy cơ mang lại hệ lụy lớn cho cộng đồng, tập thể.
Có lúc, có chỗ biết che bớt cái xấu lại là người khôn ngoan, còn bao nhiêu cái tốt khoe ra hết chưa hẳn là tốt. Bởi khoe quá liều lượng, không phù hợp hoàn cảnh sẽ trở nên lố bịch. Tiếc là trong cuộc sống không thiếu những hành vi tốt khoe kiểu này. Ví như một cán bộ có bằng cấp lôm côm, kiến thức vay mượn linh tinh nhưng trên danh thiếp ghi đầy rẫy học vị này, chức vụ nọ bằng đủ thứ tiếng Tây ta lẫn lộn. Hay bệnh thành tích ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chính là một dạng khoe khoang cái mình chưa hoặc không có...
Tốt - xấu phân minh rõ ràng như thế, tưởng dễ mà khó nhận diện, càng khó để ứng xử hài hòa hợp lý biết bao!
Bài, ảnh: Quang Nam