Trong thời đại công nghệ số, việc kinh doanh, mua bán trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành thói quen của nhiều người. Mặc dù sự phát triển của TMĐT đã và đang mang đến nhiều tiện ích cho đời sống xã hội và người tiêu dùng (NTD), tuy nhiên, hình thức mua bán này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Khi mua hàng online, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhận hàng. Ảnh: Thế Hùng
Thay vì mua sắm trực tiếp, từ nhiều năm nay, NTD đã từng bước làm quen với hình thức mua sắm trực tuyến, nhất là từ sau đại dịch Covid -19 xu hướng tiêu dùng này có sự thay đổi rõ rệt. Không thể phủ nhận, cùng với sự phát triển của công nghệ và dịch vụ vận chuyển, mua sắm trực tuyến đã và đang mang lại nhiều tiện ích.
Với hình thức mua sắm này, chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, hay máy tính là NTD có thể mua sắm bất kỳ sản phẩm nào mình cần mà không phải mất công di chuyển ra chợ hoặc đến trực tiếp cửa hàng. Đồng thời người mua cũng có thể so sánh giá cả một cách dễ dàng.
Do đặc thù làm việc trong khu công nghiệp gò bó về thời gian, lại thêm bận bịu con nhỏ nên chị Nguyễn Thị Trang, xã Vũ Di (Vĩnh Tường) gần như không có thời gian để đi chợ, hay dạo qua các hàng quán. Do đó, ngoài thực phẩm tiêu dùng hằng ngày thì hầu hết các vật dụng khác đều được chị mua qua mạng, từ đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm, thậm chí là cả các thực phẩm chức năng…
Tuy vậy, việc mua hàng qua mạng cũng khiến chị không ít lần dở khóc dở cười bởi mua phải hàng kém chất lượng, hàng không đúng như quảng cáo trên mạng. Chị Trang chia sẻ: “Để cẩn thận tôi thường ưu tiên lựa chọn mua hàng ở các gian hàng có nhiều lượt mua và đánh giá cao. Tuy nhiên, không phải lần nào mua hàng cũng được ưng ý. Có lần mua kem chống nắng trên mạng về dùng được một thời gian, mặt tôi nổi mụn. Sau mang đi hỏi vài người bạn thì mới được biết mình mua phải hàng giả”.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), những năm gần đây, hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hóa giả mạo, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… có chiều hướng gia tăng trên môi trường Internet và ngày càng tinh vi, phức tạp.
Cùng với sự phổ biến của TMĐT, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng quy định của pháp luật đối với hoạt động TMĐT hiện nay còn nhiều kẽ hở, chưa theo kịp thực tiễn để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lợi dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh để trốn thuế, kinh doanh buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng.
Để bảo vệ quyền lợi của NTD, thời gian qua, Cục QLTT đã triển khai nhiều giải pháp, tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT.
Năm 2021, Cục QLTT đã thành lập Tổ công tác về TMĐT và giao Đội trưởng Đội QLTT số 5 làm tổ trưởng, các thành viên là cán bộ, nhân viên các phòng chuyên môn nghiệp vụ và Đội QLTT số 5 là thành viên.
Từ sau khi thành lập, Tổ công tác về TMĐT đã bám sát các nội dung của kế hoạch để kiểm tra, kiểm soát thị trường, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm hành chính, nhất là những vụ việc liên quan các đối tượng kinh doanh trên mạng xã hội Zalo, Facebook, kinh doanh trên sàn TMĐT Shoppe…
Năm 2023, Đội QLTT số 5 cùng với Tổ công tác về TMĐT đã kiểm tra, phát hiện 21 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 420 triệu đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến NTD, không bổ sung hồ sơ thông báo liên quan đến website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến theo quy định.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hằng năm Cục QLTT chú trọng tuyên truyền, vận động, phổ biến của quy định của pháp luật cho các cơ sở kinh doanh.
Năm 2023, Cục đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và các quy định trong hoạt động TMĐT cho các cơ sở kinh doanh tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên.
Qua đó giúp các cơ sở kinh doanh được trang bị những kiến thức, quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và lĩnh vực TMĐT nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi NTD.
Tuy nhiên, trước những thủ đoạn kinh doanh ngày càng tinh vi, bên cạnh vai trò của lực lượng chức năng trong quản lý, đấu tranh chống buốn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, NTD phải tự bảo vệ mình trên không gian mạng bằng cách trang bị cho mình thêm những kiến thức cần thiết, nâng cao năng lực phát hiện những dấu hiệu lừa đảo và phân biệt hàng thật - giả, không ham rẻ để tránh tiền mất tật mang.
Nguyễn Hường