Tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng đã và đang tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời triển khai thực hiện các chính sách tín dụng, gói vay ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn phục hồi SXKD và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh.
Ngay đầu xuân mới, Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ảnh: Chu Kiều
Hiện nay, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng rất khó khăn khi phải đối diện với nhiều rủi ro lớn như nợ xấu gia tăng, lợi nhuận giảm...
Việc tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế không chỉ cứu doanh nghiệp mà chính là cứu TCTD. Vì vậy, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn vừa nỗ lực giảm lãi suất vừa đưa ra nhiều giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Trong năm 2023, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2 - 1,5%/năm đối với các kỳ hạn. Tiết giảm chi phí hoạt động để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển SXKD.
Hiện, lãi suất cho vay bình quân các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức từ 4 - 4,5%/năm đối với ngắn hạn; từ 7 - 8% đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay bình quân các lĩnh vực SXKD thông thường từ 7 - 7,5%/năm đối với ngắn hạn; 9,5 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, năm 2023, các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đạt 98 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu vốn vay với lãi suất ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, các TCTD đã làm tốt công tác huy động nguồn, cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp, chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng trong thẩm định xét duyệt khoản vay, giải ngân vốn vay... nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Theo đại diện Ngân hàng NN& PTNT chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc (Agribank Vĩnh Phúc): Đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển KT - XH của tỉnh, Agribank Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng Agribank.
Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi tiền vay, tiếp tục cho vay mới… hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, Agribank Vĩnh Phúc đã thực hiện 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Agribank Việt Nam. Nhờ đó, hiện lãi suất cho vay đã giảm từ 1,5 - 5%/năm so với đầu năm 2023.
Tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho khách hàng, Agribank còn triển khai nhiều chương trình, gói vay ưu đãi như cho vay đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu; lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ các cá nhân hưởng lương ngân sách; cho vay hỗ trợ đối với cán bộ nhân viên y tế…
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, năm 2023, ngành ngân hàng đã giữ ổn định thị trường tiền tệ; đồng hành, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hộ SXKD vượt qua khó khăn.
Hiện, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay chủ yếu tập trung vào các hoạt động SXKD, dịch vụ và đầu tư phát triển, chiếm hơn 86% tổng dư nợ; còn lại là cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và dư nợ các lĩnh vực khác.
Thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát định hướng phát triển KT - XH của tỉnh và chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách để đưa nguồn vốn vay đến với khách hàng.
Thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa trong hoạt động ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận, vay vốn.
Trần Tỉnh