Cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn xác định xây dựng và phát triển nền đối ngoại toàn diện, hiện đại. Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó không chỉ bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, khẳng định uy tín trên trường quốc tế mà còn từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm, thống nhất trong nhận thức và hành động, coi hoạt động ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng; vận dụng linh hoạt tư tưởng “ngoại giao cây tre” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng thời triển khai đồng bộ giải pháp đột phá, trọng tâm, trọng điểm và bền vững gắn với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực, đóng góp thiết thực vào phát triển KT - XH của tỉnh.
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh hàng năm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Năm 2024, quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh Bắc Lào như Luông Nậm Thà được giữ vững và phát triển toàn diện; quan hệ với các địa phương nước ngoài khác như tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tỉnh Akita, Tochigi (Nhật Bản), vùng Toscana (Italia); tỉnh Pernik (Bungari)... cũng như với các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế được duy trì và tăng cường.
Lãnh đạo tỉnh có nhiều buổi đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác của Đại sứ các nước tại Việt Nam, các đoàn khách quốc tế. Bên cạnh đó, tổ chức đón tiếp hàng chục lượt hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh ban hành kế hoạch hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành phố, vùng (địa phương nước ngoài) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Đồng thời thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các thỏa thuận đã ký để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Vĩnh Phúc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhờ đó, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh năm 2024 tăng cao về số lượng dự án và nguồn vốn đăng ký ở cả hai khu vực. Trong đó, đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) thu hút 32 dự án cấp mới và tăng vốn, đạt 5.500 tỷ đồng; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 80 dự án FDI cấp mới và tăng vốn, đạt 620 triệu USD, vượt 55% kế hoạch năm.
Lũy kế đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 1.326 dự án, trong đó 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 847 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.
Công ty TNHH Polaris Việt Nam tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) là doanh nghiệp FDI đến từ Hoa Kỳ, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất xe mô tô và động cơ phân khối lớn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Công ty TNHH Polaris Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hoa Kỳ, có nhà máy sản xuất xe mô tô và động cơ xe phân khối lớn đặt tại Khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện 2 (Bình Xuyên), với tổng mức đầu tư 36 triệu USD.
Hiện, nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 10 nghìn xe mô tô và 30 nghìn động cơ xe phân khối lớn/năm, giải quyết việc làm cho 600 lao động địa phương.
Ông Matt Kantrud, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Polaris Việt Nam cho biết: Với các trang thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại; quy trình sản xuất được kiểm soát bằng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, các sản phẩm của Polaris Việt Nam ngoài tiêu thụ nội địa sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Song hành với hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa qua, Polaris Việt Nam đã được công nhận Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) năm 2024 bởi Phòng Thương mại Mỹ (AmCham). Đây là tiền đề quan trọng để Polaris Việt Nam đóng góp cho việc từng bước xây dựng nền kinh tế xanh, hiện đại, tạo động lực mới cho tăng trưởng KT-XH của Vĩnh Phúc.
Thực hiện đường lối đối ngoại về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, pháp luật về đầu tư của Nhà nước và kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh năm 2025 trên cơ sở kết hợp hiệu quả nội lực và ngoại lực; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài, Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế.
Tiếp tục mời các Đại sứ, Trưởng đại diện của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh.
Duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác hữu nghị thiết thực và hiệu quả với các địa phương đối tác truyền thống, gồm các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Akita và Tochigi (Nhật Bản). Triển khai các hoạt động hợp tác với vùng Toscana (Italia), tỉnh Pernik (Bungari)...
Đẩy mạnh kết nối, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tỉnh thiết lập quan hệ và ký thỏa thuận hợp tác hữu nghị với một số địa phương nước ngoài. Tổ chức có hiệu quả các đoàn thăm hữu nghị, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm và có nhiều tiềm năng. Chủ động tham gia các chương trình quảng bá địa phương tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đồng thời đề xuất Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh thực hiện các điều kiện cần thiết để ký kết và triển khai thực hiện các bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị với các địa phương, đối tác nước ngoài trong việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư; hỗ trợ các đoàn công tác của tỉnh ra nước ngoài... ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác ngoại giao kinh tế, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngọc Lan