Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp các thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Các sản phẩm của HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) đều được dán tem trước khi tiêu thụ, giúp người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ, yên tâm sử dụng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành, hoạt động
Cuối tháng 11 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh và Công ty cổ phần Công nghệ chống giả Việt Nam tổ chức Hội thảo xuất xứ hàng hóa và truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp được nghe về tổng quan hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa của Việt Nam (CO); cách xác định và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các lỗi thường gặp khi cấp CO, nhất là việc sử dụng công nghệ AI và Blockchain trong truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Đồng thời tạo sự minh bạch và tin cậy trong các giao dịch kinh doanh bằng cách cung cấp dữ liệu truy xuất nguồn gốc, thông tin về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, giải pháp chống giả TrueData. Qua đó, có định hướng xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường hiện nay, ảnh hưởng tới sức khỏe và gây thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch đối với các sản phẩm, hàng hóa.
Do đó, truy xuất nguồn gốc trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội, là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đáp ứng nhu cầu này, đồng thời, giúp nông sản có thương hiệu, từng bước hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, tạo lòng tin với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, hoạt động hiệu quả thông qua các chương trình hỗ trợ tem chống hàng giả tại một số HTX sản xuất rau an toàn; xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói...
Đơn cử, từ chương trình hỗ trợ sử dụng tem chống hàng giả do ngành Nông nghiệp triển khai đã giúp HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) mở rộng quy mô, hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết: Hiện nay, mỗi sản phẩm rau của HTX đều sử dụng 1 tem QR Code để nhận diện truy xuất nguồn gốc và đã được Công ty cổ phần chứng nhận VinaCert cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo bộ tiêu chuẩn TCVN.
Điều này đã tạo điều kiện cho HTX có thể tiếp cận, ký kết hợp đồng với nhiều bếp ăn tập thể, đối tác lớn; từ đó, tạo động lực cho các thành viên thâm canh, tăng vụ và nâng cao thu nhập.
Cụ thể hóa Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa" (Đề án 100) trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1348 phê duyệt đề cương nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc.
Phối hợp với các sở, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về các tiêu chuẩn Quốc gia về truy xuất nguồn gốc, cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai, giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm... cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp, cá nhân.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu gắn với các chương trình chuyển đổi số, "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), thương mại điện tử... thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hướng tới xuất khẩu.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Đem lại hiệu quả thiết thực là vậy, song, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.
Ngoài ra, dù đã có hơn 100 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cùng hàng chục sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nhưng số lượng, sản lượng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh còn rất khiêm tốn; chủ yếu liên quan đến các ngành công nghiệp như máy móc, thiết bị và phụ tùng ô tô, xe máy; hàng điện tử và linh kiện điện tử; hàng dệt may...
Mặt khác, mã QR Code chỉ tập trung áp dụng ở một số mặt hàng nông sản. Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ lạc hậu chưa quan tâm nhiều, chưa hiểu đúng bản chất, tầm quan trọng của việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hay gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể...
Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn Quốc gia, quốc tế... và đến năm 2030 đảm bảo kết nối các sản phẩm, hàng hóa chủ lực và đặc sản của tỉnh với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia... còn rất nhiều việc phải làm từ cả phía các đơn vị quản lý Nhà nước và các bên tham gia.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức, áp dụng linh hoạt để hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực sự đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao.
Lưu Nhung