Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, những tháng cuối năm dự báo nhu cầu sử dụng sản phẩm từ thịt GSGC của người dân trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao. Đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, cũng như hạn chế sự lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm GSGC, nhất là hoạt động giết mổ GSGC tự phát.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch sau giết mổ tại khu giết mổ tập trung của Công ty TNHH MTV sản xuất và thương mại Phát Đạt (Phúc Yên).Ảnh: Chu Kiều
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 700 cơ sở giết mổ động vật, trong đó có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung (Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt, ở Phúc Yên và Nhà máy giết mổ gia cầm thị trấn Hợp Châu của Công ty TNHH Japfa comfeed Việt Nam) và 4 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, tự phát còn lại chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, ATTP.
Điều đáng nói hầu hết các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, không phép nằm rải rác trong các khu dân cư và tập trung chủ tại các chợ cóc, chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh không bảo đảm điều kiện giết mổ GSGC theo quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hầu hết các chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đều có các điểm giết mổ GSGC tự phát ngay vệ đường, trên nền chợ, ngay cạnh hệ thống cống rãnh thoát nước... Lông gà, vịt được thu gom vào túi ni lon, vứt ngay ở bãi rác tại chợ, thậm chí bên vệ đường. Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh ATTP mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh.
Tình trạng mua, bán, giết mổ GSGC tại các điểm giết mổ tự phát phổ biến tới mức phần lớn người dân chỉ mua, bán, thuê giết mổ theo thói quen, mà không quan tâm đến vệ sinh, và ATTP.
Chị Trần Thị Kim Yên, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) chia sẻ: “Do thói quen và sự tiện lợi nên khi mua gà, vịt sống tôi thường đến các điểm giết mổ nhỏ lẻ nhờ thịt, làm sạch luôn, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, bởi nghĩ trước khi chế biến mình vẫn còn phải vệ sinh”.
Thực trạng trên cho thấy việc kiểm soát giết mổ chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất ATTP trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân khiến tình trạng các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, hoạt động tự phát chưa được kiểm soát triệt để là do lực lượng cán bộ làm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y còn mỏng, cán bộ làm việc kiêm nhiệm; chính quyền ở một số địa phương còn lơ là, chưa kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, tự phát không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y (Theo quy định, hiện các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ do chính quyền cấp phường, xã quản lý).
Bên cạnh đó, còn do các huyện, thành phố chưa xây dựng được nhiều điểm giết mổ GSGC tập trung và cũng do thói quen tiêu dùng của người dân.
Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý việc kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, dây chuyền giết mổ theo hướng hiện đại theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; định hướng xây dựng mỗi huyện, thành phố có từ 1 - 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung, bảo đảm có kiểm soát thú y, không để lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ATTP.
Xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y. Tăng cường kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.
Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định; kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, ATTP.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc tuân thủ và thực hiện tốt quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP. Cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP.
Trần Tỉnh