Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Điều này khẳng định, việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường đã phát huy hiệu quả, tạo sự bứt phá trong xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.
Công nhân Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch vận hành dây chuyền sản xuất gạch ốp lát. Ảnh: Nguyễn Lượng
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/9/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 11,85 tỷ USD, tăng 10,49% so với cùng kỳ. Trong đó, linh kiện, phụ tùng ô tô xuất khẩu tăng gần 31%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng gần 285% so với cùng kỳ.
Điều này cho thấy, ngoài việc sản xuất sản phẩm đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, các DN đã tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển, đem lại lợi nhuận cho DN cũng như thu nhập cho người lao động.
Với chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới trong sản xuất, hiện, 70% sản phẩm vật liệu xây dựng của Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (Lập Thạch) được xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đặc biệt, mới đây, công ty đã ký kết hợp tác chiến lược với 3 DN đến từ các nước như: Ý, Mỹ, Tây Ban Nha để triển khai dự án nhà máy đá thiêu kết. Dự kiến nhà máy đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, chuyển đổi sản xuất xanh, giảm phát thải carbon giúp tiết kiệm khoảng 30% điện năng, nhiệt năng so với công nghệ truyền thống hiện nay.
Sau 8 năm hình thành và phát triển, Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ (gọi tắt Công ty Á Mỹ) tự hào là một trong những DN sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam đạt chất lượng quốc tế với quy mô hơn 2.100 nhân sự cùng hệ thống hơn 100 showroom chuyên doanh trên toàn quốc và hơn 150 công trình dự án lớn công ty cung cấp vật liệu và giải pháp gạch ốp lát, sàn gỗ, tấm trần tường cho các chủ đầu tư như Sun Group, Vingroup, Đất Xanh, An Gia, Hưng Thịnh, Novaland, BRG…cùng các nhà thầu Coteccon, Unicon, Ricon, Hòa Bình, Ecoba, Delta…
Để DN vươn tầm quốc tế, năm 2020, công ty đưa nhà máy sàn gỗ AmyGres SPC đi vào vận hành với 18 dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất 15 triệu m2/năm, đáp ứng tiêu chuẩn siêu chịu nước hàng đầu châu Âu; trong 2 năm 2019 - 2020, công ty đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều DN top 10 của ngành vật liệu xây dựng Mỹ và 4 đối tác chiến lược tại Italy, Anh, Hungary, Ba Lan; ký kết được các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nhờ vậy, năm 2021 doanh thu của công ty Á Mỹ tăng trưởng hơn 50% và tăng lên mức 60% vào năm 2022.
Nhằm phấn đấu năm 2023, công ty đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ và xuất khẩu sản phẩm đến 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, công ty tiếp tục cho ra mắt nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp, thân thiện với môi trường, an toàn cho người dùng; liên tục cải tiến hệ thống tổ chức, quản trị, khoa học, tối ưu năng suất, chất lượng; thực hiện quy trình sản xuất khắt khe, nghiêm ngặt, đảm bảo đáp ứng tiêu chí của hai hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và châu Âu; thiết kế, xây dựng nhà máy thông minh, công nghệ thông minh tạo bước đột phá về sản lượng.
Là tỉnh phát triển công nghiệp với khoảng 500 DN có hoạt động xuất nhập khẩu, hơn 700 DN làm thủ tục hải quan tại Vĩnh Phúc. Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao kỹ năng xúc tiến đầu tư; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng giúp các DN phục hồi SXKD.
Cùng với đó, Hải quan Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho DN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến vào quy trình thủ tục hải quan; vận hành tốt hệ thống theo cơ chế "Một cửa Quốc gia", "Một cửa ASEAN", bảo đảm 100% tờ khai xuất nhập khẩu của DN được khai báo qua hệ thống thông quan tự động.
Qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí, rút ngắn thời gian thông quan, đóng góp vào ngân sách Nhà nước. 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng.
Dự báo, từ nay đến cuối năm 2023, hoạt động xuất khẩu của tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, bởi, mới đây, Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Cộng hòa Liên bang Đức đang tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam; nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng cao sẽ mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu của tỉnh.
Để tận dụng cơ hội xuất khẩu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 17 tỷ USD, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với đó, các DN chủ động nắm bắt, cập nhật thường xuyên quy định tiêu chuẩn kĩ thuật của EU với sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là quy định về trách nhiệm xã hội; tiết giảm chi phí sản xuất để gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng, mở rộng đối tác; đồng thời đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại gắn với tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững. Đây là một trong những tiêu chí hàng đầu đang được nhiều thị trường các nước châu Âu hướng tới.
Mai Liên