Là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, trải qua bao thăng trầm của thời gian, chèo vẫn giữ một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Với niềm đam mê, nhiệt huyết và cống hiến, nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát nghệ thuật tỉnh đã và đang “giữ lửa”, gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống này.
Một phân đoạn trong vở diễn "Tiết nghĩa thiên thu" tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, có 2 diễn viên Nguyễn Ngọc Cao và Bùi Thị Lệ Thu tham gia. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đến Nhà hát nghệ thuật tỉnh vào những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với diễn viên Nguyễn Ngọc Cao, người vừa đoạt Huy chương Vàng (HCV) và diễn viên Bùi Thị Lệ Thu, đoạt Huy chương Bạc (HCB) tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Hà Nam.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Ngọc Cao, diễn viên, đạo diễn kiêm Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Nghệ thuật Chèo tỉnh Vĩnh Phúc đã có niềm đam mê với các môn nghệ thuật dân gian, đặc biệt là bộ môn chèo từ khi còn nhỏ.
Anh Cao chia sẻ về những ngày đầu “bén duyên” với chèo: “Người thầy" đầu tiên đưa tôi đến với niềm đam mê các môn nghệ thuật dân gian là Đài tiếng nói Việt Nam. Từ khi còn nhỏ, mỗi khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát những chương trình hát chèo, tôi cảm thấy rất thích thú và lắng nghe đều đặn hàng ngày, có khi quên ăn, quên ngủ. Kể từ đó, những làn điệu chèo đã dần ăn sâu trong tiềm thức của tôi, cũng là cơ duyên để tôi quyết tâm đến với chèo, thỏa mãn niềm đam mê được hát, được biểu diễn những làn điệu chèo truyền thống.
Suốt 17 năm gắn bó với nghề, tham gia nhiều vở diễn đã làm anh Cao thêm yêu và “cháy” hết mình với chèo. Anh Cao chia sẻ, chèo là loại hình sân khấu cổ sử dụng ngôn từ ví von đa thanh, cùng cách diễn luyến láy, vừa tự sự, vừa trữ tình nên không dễ dàng cho người hát, người diễn, nhưng vì sự yêu mến và đam mê, nên anh và các diễn viên, nghệ sĩ trẻ đã không ngại khó, ngại khổ.
Qua từng vở diễn, anh đã hóa thân vào nhiều nhân vật, mang lại cho anh nhiều cung bậc cảm xúc, càng hát, càng diễn lại càng say, càng say thì tình yêu với chèo càng cháy bỏng. “Với từng vai diễn, vở diễn, tôi đều chau chuốt, tìm tòi, nghiên cứu kỹ từng câu hát, lời thơ, các lối hát để thật nhuyễn các làn điệu.
Ngoài ra, khi hóa thân vào các nhân vật, tôi luôn tìm hiểu kỹ tâm lý để nhập vai, thể hiện chiều sâu nội tâm của nhân vật để truyền cảm hứng cho từng vai diễn, vở diễn, mong “chạm” đến trái tim của khán giả" - anh Cao chia sẻ thêm. Với những đóng góp tích cực của mình, nhiều năm qua, anh Cao đã gặt hái được nhiều thành công với nhiều HCV, HCB, và đặc biệt năm 2021, anh đạt giải A trong vai trò là đạo diễn tác phẩm “Vĩnh Phúc sáng mãi niềm tin” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao tặng.
Gặp chị Bùi Thị Lệ Thu, tôi cảm nhận được niềm vui vẫn đong đầy với kết quả chị vừa đạt được sau một năm khổ luyện. Chị Thu cho biết: “Trong gia đình không ai theo nghệ thuật, nhưng tình yêu, sự đam mê đối với làn điệu chèo đã “hút hồn” tôi từ nhỏ, và nó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi.
Ban đầu, nếu ai chưa nghe hát chèo thì cảm thấy khá khó nghe, nhưng khi học và tìm hiểu về chèo thì sẽ càng yêu những giai điệu chèo, bản thân tôi càng nghiên cứu, học hỏi sâu về chèo thì lại càng thêm yêu, càng “say” nghề. Mặt khác, thông qua những làn điệu chèo, tôi muốn truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu chèo đến mọi người để có thể hiểu, yêu và thích nghe chèo".
Gần 1 thập kỷ gắn bó với chèo, chị Lệ Thu đã tham gia rất nhiều vở diễn, trong từng vai diễn, chị đều khẳng định được tài năng của mình qua sự nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng về nhân vật để tạo nên ấn tượng riêng trong lòng khán giả. “Khi gắn bó với chèo, điều tôi luôn tâm niệm là đã yêu nghề thì phải luôn nghiêm túc, chỉn chu, sống với nghề bằng tình yêu, tâm huyết, trách nhiệm. Luôn trau dồi kiến thức, chuyên môn để hoàn thiện vai diễn, nhân vật mà mình đảm nhiệm” - chị Thu chia sẻ. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chị Lệ Thu đã vinh dự giành được HCB các năm 2016, 2022 trong kỳ liên hoan, hội diễn chèo toàn quốc.
Với sự du nhập khá mạnh mẽ của các hình thức nghệ thuật ngoại lai, có những lúc nghệ thuật chèo đã tưởng chừng như bị lãng quên, nhưng theo anh Nguyễn Ngọc Cao, trên thực tế, không hẳn lớp trẻ thờ ơ, quay lưng với các môn nghệ thuật truyền thống, mà đa số giới trẻ hiện nay có nhiều sự lựa chọn nên họ không mấy yêu các môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là nhiều bạn trẻ đã lựa chọn đến với chèo, họ có một tình yêu “đặc biệt” dành cho bộ môn chèo, đó thật sự là những “viên ngọc” quý.
Với tình yêu nghề cháy bỏng, các diễn viên, nghệ sĩ tại Nhà hát nghệ thuật tỉnh ngoài duy trì những vở diễn, làn điệu chèo truyền thống còn luôn nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, lồng ghép phong cách biểu diễn hiện đại với các giai điệu chèo truyền thống, kết hợp với xây dựng các vở chèo ngắn để biểu diễn tại các hội diễn, buổi diễn phục vụ nhân dân, cũng như lồng ghép những giai điệu dân gian đưa vào trường học, các cấp học để lan tỏa môn nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ.
Lúc chia tay, anh Nguyễn Ngọc Cao cho chúng tôi thưởng thức một sáng tác mới với tựa đề: “Hội làng nên duyên”. Lời thơ ngọt ngào mở đầu giai điệu chèo, cùng với chất giọng trầm ấm của anh như đưa không khí Xuân ngày càng đến gần hơn, ấm áp hơn:
“Hội làng đã mở bên đình
Tìm người em gái trúc xinh hôm nào
Nơ xanh yếm thắm lụa đào
Điệu chèo em hát lạc vào mùa Xuân”...
Huyền Linh