Mặc dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng; nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 với khả năng lây nhanh hơn, trong đó có Vĩnh Phúc. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh phát sinh tại các khu công nghiệp là rất lớn. Trước tình hình trên, Ban Quản các KCN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người lao động và an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 là giải pháp then chốt để bảo vệ sức khỏe người dân, kiểm soát dịch bệnh
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 KCN, 16 cụm công nghiệp với gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 220 nghìn lao động.
Do hầu hết các KCN đều có mật độ người tập trung cao; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong môi trường khép kín; ý thức của một bộ phận người lao động trong công tác an toàn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh chưa cao, do vậy, nguy cơ tái bùng phát và lây lan dịch Covid-19 là rất lớn.
Thực tế đã cho thấy, giai đoạn trước, dịch Covid-19 đã phát sinh, lây lan mạnh trong các KCN khiến không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, kinh doanh; người lao động phải nghỉ việc, cách ly điều trị, gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế.
Trong điều kiện hiện nay, với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, của tỉnh, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần trở lại bình thường.
Mặc dù vậy, với nhiều biến thể phụ có khả năng lây nhiễm nhanh, nhất là các biến thể phụ của biến chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.74, BA.2.12.1, trong khi hiệu lực bảo vệ của vắc xin phòng Covid-19 suy giảm theo thời gian; tâm lý lơ là, chủ quan ở một bộ phận người dân… dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường và Hỗ trợ, giám sát hoạt động đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh Phan Gia Lượng cho biết: "Công tác phòng ,chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được Ban quản lý triển khai linh hoạt theo chỉ đạo của cấp trên dựa trên 3 trụ cột phòng, chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị.
Trên cơ sở đó, ban tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp giám sát, theo dõi sát sao sức khỏe với người nhập cảnh, lao động của doanh nghiệp trở về từ các quốc gia, các địa phương đã ghi nhận biến chủng Omicron và các biến thể phụ.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, với phương châm chủ động, cảnh giác, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bùng phát trở lại.
Tổng rà soát việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại các doanh nghiệp, lập danh sách, xác định chính xác người chưa tiêm vắc xin; người tiêm các mũi 3, 4; người chưa đủ điều kiện tiêm; người không đồng ý tiêm để có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.
Quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người lao động. Yêu cầu chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước tỉnh về kết quả, tỷ lệ tiêm vắc xin của đơn vị mình…".
Với các giải pháp quyết liệt, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong các KCN đang được thực hiện có hiệu quả. Từ đầu tháng 9 đến nay, chưa ghi nhận doanh nghiệp nào báo cáo trường hợp dương tính với Covid-19.
Việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động đạt kết quả tích cực, không xảy ra sự cố, tỷ lệ tiêm đạt tương đối cao. Mũi 1 đạt 99,9%, mũi 2 đạt 99%, mũi 3 đạt gần 80% và mũi 4 đạt gần 50% tổng số đối tượng thuộc diện tiêm chủng.
Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động cảnh giác phòng, chống dịch cho người lao động, chủ sử dụng lao động gắn với thực hiện tốt công tác kiểm soát, giám sát việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp.
Rà soát, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là mũi 4, coi đây là giải pháp then chốt để bảo vệ sức khỏe người lao động và an toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh