Qua 4 đợt dịch Covid-19 cho thấy, mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở có vai trò quan trọng. Việc nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở sẽ là “tấm lá chắn” tốt ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, công tác này còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần khắc phục sớm, nhất là trong thời điểm hiện nay, nhiều dịch bệnh được phát hiện có thể lây lan nhanh.
Cán bộ Trạm Y tế phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà
Là địa phương có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên của cả nước, trải qua nhiều lần dịch bùng phát, nhưng Vĩnh Phúc vẫn kiểm soát tốt dịch, được Trung ương và nhiều địa phương đánh giá cao. Có được kết quả đó, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, thì có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Hiện nay, mạng lưới y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến cơ sở được đầu tư theo hướng tập trung, tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh.
Trình độ cán bộ, nhân viên làm công tác y tế dự phòng ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trang thiết bị về y tế dự phòng được chú trọng đầu tư.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh luôn dành hơn 30% trong tổng chi thường xuyên để đầu tư cho lĩnh vực y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 136/136 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, 100% trạm y tế có bác sĩ.
Xác định công tác xét nghiệm có vai trò quan trọng nhằm kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng hiệu quả, ngành Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư, nâng cao năng lực xét nghiệm.
Nếu như trước năm 2020, các mẫu xét nghiệm Covid-19 phải gửi xuống Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thì sau khi được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cán bộ y tế được tập huấn, đến nay, Vĩnh Phúc có khả năng xét nghiệm Covid-19 và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Khoa Xét nghiệm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005, đạt chuẩn quốc gia đối với 97 kỹ thuật xét nghiệm vi sinh và hóa lý.
Nhân viên y tế Trường mầm non Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Dương Hà
Vào thời kỳ cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, hằng ngày, khoa tiếp nhận hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm, cho kết quả nhanh, chính xác để kịp thời kiểm soát, khống chế dịch lây lan và điều trị cho bệnh nhân.
Hiện nay, hệ thống xét nghiệm của tỉnh đã được đầu tư tại nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công nhận khả năng xét nghiệm, trong đó, có xét nghiệm Covid-19.
Mặc dù đã được đầu tư nhưng hệ thống y tế dự phòng cần được quy hoạch, sắp xếp khoa học, tiếp tục đầu tư hiện đại, đồng bộ hơn. Nhiều cơ sở máy móc đầu tư đã lâu, nay xuống cấp, nhất là tuyến xã. Tình trạng thiếu bác sĩ có chuyên môn cao diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.
Trạm Y tế xã Đạo Trù (Tam Đảo) đang quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho hơn 17.000 nhân khẩu. Do địa bàn rộng, dân số đông, trạm phải chia thành 2 cơ sở để thuận tiện cho việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Về cơ sở vật chất, trạm được đầu tư máy theo dõi nhịp tim, khí dung, 10 máy đo nồng độ SPO2, nhiệt kế, 5 bình ô xy, dung dịch sát khuẩn và trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác phòng chống dịch. Trạm có 10 nhân viên y tế, trong đó chỉ có 1 bác sĩ là Trưởng Trạm.
Trong đợt dịch vừa qua, thời kỳ cao điểm, xã ghi nhận gần 700 ca mắc Covid-19, trung bình mỗi nhân viên y tế phụ trách 60-70 bệnh nhân, dẫn tới tình trạng quá tải cho nhân viên y tế. Do thiếu bác sĩ nên công tác thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn.
Với phương châm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ cở là nền tảng”, để thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi và nhiều loại dịch bệnh khác có thể bùng phát, hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở từ tỉnh tới cơ sở cần phải được đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị, máy móc và nguồn nhân lực.
Cùng với đó, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng nhằm động viên, tiếp thêm động lực để họ tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Kim Ngân