Vĩnh Yên là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ thuở Hùng Vương dựng nước, người dân Vĩnh Yên đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ bờ cõi, mở mang giang sơn gấm vóc.
Nhà nước Văn Lang ra đời từ buổi bình minh của lịch sử đã có dấu ấn đóng góp của vùng đất và con người Vĩnh Yên. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược, vùng Đầm Vạc, Vĩnh Yên xưa đã nổi danh 7 anh em nhà họ Lỗ tụ nghĩa dưới ngọn cờ của nhà Trần, theo vua Trần dẹp giặc từ xứ Đông đến xứ Đoài lập nhiều công trạng, đuổi giặc thù ra khỏi bờ cõi.
Vua phong tướng, phong quan, 7 anh em họ Lỗ đều không màng công danh, không ham lợi lộc, bỏ lại chức trọng, quyền cao để trở về hòa vào đất đai, cây cỏ Đầm Vạc, trở thành “Thất vị Đại vương” sống mãi trong lòng nhân dân.
Ngày 29/12/1899, Vĩnh Yên được thành lập, tên gọi Vĩnh Yên chính thức được bắt đầu, mở ra thời kỳ phát triển của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Qua 125 năm xây dựng và phát triển, đô thị Vĩnh Yên đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, đóng góp quan trọng vào các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế.
Trên chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của tỉnh, Vĩnh Yên là nơi có phong trào cách mạng sớm nhất. Năm 1928, đồng chí Vũ Duy Cương - người con của Vĩnh Yên đã tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - một tổ chức giác ngộ cách mạng tiền thân của Đảng.
Bước vào thời kỳ lịch sử mới, đầu năm 1930, chỉ ít ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thị xã Vĩnh Yên cũng là vùng đất đầu tiên của tỉnh được Đảng gieo mầm cách mạng. Đến tháng 4/1941, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban cán sự thị xã Vĩnh Yên, sự kiện này là dấu mốc quan trọng về sự hình thành tổ chức tiền thân của Đảng bộ thành phố hiện nay.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Vĩnh Yên tích cực lao động sản xuất, hăng hái góp sức người, sức của cho tiền tuyến và xây dựng hậu phương vững mạnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Yên luôn phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ thời cơ, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối, chính sách của Trung ương, của tỉnh, xây dựng thành phố phát triển toàn diện.
Ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập, Vĩnh Yên trở thành đô thị tỉnh lỵ với nhiều thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen. Song, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng bộ, với truyền thống quê hương anh hùng, từ một thị xã nông nghiệp nghèo, Vĩnh Yên đã vươn mình trở thành đô thị loại III và ngày 23/10/2014, Vĩnh Yên vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Quá trình hình thành và phát triển của thành phố Vĩnh Yên luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện về mọi mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành.
Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, vượt qua khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo và đạt được những kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Thành phố Vĩnh Yên đã được quan tâm đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội.
Mức tăng trưởng kinh tế của thành phố trong nhiều năm gần đây đạt từ 8 - 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; công tác quy hoạch đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch có nhiều tiến bộ.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng giáo dục, đào tạo luôn đứng top đầu của tỉnh; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; trình độ của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (chỉ còn 0,47%); tỷ lệ lao động qua đào tạo và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Các công trình dân sinh, công trình tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Yên, như Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, Văn Miếu tỉnh, các khu đô thị hiện đại… Cùng với đó, thành phố đã tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, hoàn thiện không gian công cộng, công viên, vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí, các tuyến phố đi bộ; khôi phục, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa; xây dựng các tuyến phố văn minh... góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chặng đường lịch sử 125 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba...
Trong giai đoạn cách mạng mới, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng chính quyền tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu phục vụ và động lực phát triển.
Tăng cường kiểm tra, giám sát kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn gương mẫu, đi đầu; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Trước mắt, thực hiện tốt cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
Kỷ niệm 125 năm đô thị Vĩnh Yên là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố ôn lại truyền thống hào hùng trong quá trình xây dựng và phát triển; bày tỏ lòng biết ơn đối với những đóng góp, cống hiến, sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Đồng thời cũng là dịp để quảng bá các thành tựu phát triển, hình ảnh về văn hóa, con người thành phố Vĩnh Yên với bạn bè trong nước và quốc tế; cổ vũ, nâng cao hơn nữa ý chí phấn đấu tự lực, tự cường, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức; xây dựng thành phố Vĩnh Yên là đô thị trung tâm, đô thị văn hóa, văn minh, thông minh, hiện đại, một thành phố đáng sống, làm tiền đề để Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vững bước cùng cả nước phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguyễn Trung Hải
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên)