Nhìn thành phố trẻ trung, năng động như chàng thanh niên 20 tuổi, không nhiều người mường tượng Vĩnh Yên lại là một đô thị cổ với 125 năm hình thành và phát triển. Vì thế, muốn hiểu rõ hơn về một Vĩnh Yên trẻ, khỏe nhưng không thiếu bề dày kinh nghiệm và những thành tựu nổi bật, không gì khác là ta phải nhìn Vĩnh Yên bằng con mắt đa chiều, yêu mến, bao dung nhưng cũng phải khách quan, chân thực…
Đô thị Vĩnh Yên chính thức được thành lập năm 1899. Trải bao vật đổi sao dời, từ khi Việt Nam lập nước năm 1945 đến khi đánh đuổi được thực dân Pháp, quét sạch đế quốc Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước cho tới lúc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc năm 1997 là ngót 100 năm, Vĩnh Yên vẫn là một đơn vị hành chính nhỏ, thậm chí rất nhỏ trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Muốn biết Vĩnh Yên từng nhỏ bé như thế nào, ngược dòng thời gian một chút sẽ thấy. Năm 1914, sau 15 năm thành lập, Vĩnh Yên đã có đầy đủ tố chất là một thị xã tỉnh lỵ những cũng chỉ có diện tích nội thị chưa đầy 2 km2. Quy mô này giữ nguyên cho tới tận năm 1945.
Năm 1968, sau khi sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, Vĩnh Yên là 1 trong 3 thị xã của tỉnh Vĩnh Phú nhưng không phải là trung tâm tỉnh lỵ nên quy mô dù có mở rộng hơn trước nhưng các mặt kinh tế - xã hội không có nhiều thay đổi đáng kể.
Là thành phố trẻ nhưng Vĩnh Yên tự hào có bộ mặt đô thị sánh ngang với các đô thị lớn trên toàn quốc.
Tái lập tỉnh Vĩnh Phúc năm 1997, Vĩnh Yên chính thức trở thành trung tâm tỉnh lỵ nhưng suốt mấy năm đầu tiên, Vĩnh Yên vẫn như một “nàng công chúa ngủ trong rừng” khi Đầm Vạc - trái tim của thị xã vẫn là một đầm nước mênh mông lau sậy, chốn đi về bình yên của rợp trời cò vạc.
Cùng với đó, hạ tầng cơ sở thừa hưởng toàn bộ những gì có sẵn từ nhiều chục năm trước - tức gần như không có gì. Từ nhà máy, xí nghiệp cho đến điện, đường, trường, trạm. Có chăng chỉ là những băn khoăn, day dứt, trăn trở của các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc mới lúc ấy nói chung, thị xã Vĩnh Yên nói riêng, rằng làm sao để đánh thức được Vĩnh Yên cho xứng với tiềm năng, cơ hội riêng có, sánh ngang với các đô thị truyền thống trăm năm trên toàn quốc.
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Các cụ bảo có bột mới gột nên hồ. Mà Vĩnh Yên khi ấy lấy đâu ra bột. Đến tỉnh còn phải đi xin Trung ương trợ cấp thì địa phương đừng nghĩ đến chuyện ngoại lực. Có lẽ chính vì thế mà trong cái khó đã ló cái khôn, Vĩnh Yên quyết đi lên bằng nội lực, bằng những gì thiên nhiên, vị thế sẵn có ưu đãi, kết hợp với tư duy năng động, sáng tạo và quyết tâm sắt đá phải vượt khó vươn lên bằng được của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân địa phương.
Quyết sách được vạch ra, đường lối phát triển của Vĩnh Yên cái thủa ban đầu lưu luyến ấy là đồng hành với tỉnh, làm đầu tàu cho tỉnh trong phát triển các mặt kinh tế - xã hội. Trước tiên lấy nông nghiệp làm nền tảng, công nghiệp làm động lực, phát huy nội lực là chính, lấy ngoại lực là yếu tố hỗ trợ quan trọng…
Chỉ trong ít năm, lớp lớp các nhà máy, xí nghiệp mọc lên, Khu công nghiệp Khai Quang ra đời, điện, đường, trường, trạm nối nhau hoàn thiện. Kết thúc 5 năm thực hiện mục tiêu kế hoạch lần thứ nhất, hầu hết các con số đều khiến mọi người thán phục. Ví như thu ngân sách tăng gần gấp 7 lần so với khi mới tái lập, kinh tế tăng trưởng lên đến gần 50%, gấp đôi mức tăng bình quân của tỉnh. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Ghi nhận sự nỗ lực cao độ của địa phương, tháng 12/2004, nhân kỷ niệm 105 năm thành lập đô thị, thị xã Vĩnh Yên chính thức được công nhận là đô thị loại III. Đến tháng 12/2006, thị xã Vĩnh Yên được nâng cấp thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tiếp đó, sau 115 năm thành lập, năm 2014 Vĩnh Yên tiếp tục được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Những năm qua, Vĩnh Yên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng cơ sở kỹ thuật được xây dựng và nâng cấp, nhiều công trình lớn được đầu tư xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp, nhiều tuyến đường được mở ra với hệ thống cây xanh phủ khắp.
Thành phố đã và đang triển khai thực hiện các quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điểm nhấn cho đô thị trung tâm của tỉnh. Chương trình xây dựng đô thị văn minh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I. Vĩnh Yên ngày nay khác rất xa với Vĩnh Yên của nhiều năm về trước.
Có thể khẳng định, những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vĩnh Yên đạt được trong thời gian qua đã tạo vị thế mới, diện mạo mới cho thành phố; góp phần quan trọng vào thành công chung của tỉnh. Vĩnh Yên không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh mà còn là bộ mặt của Vĩnh Phúc, nơi thể hiện rõ nét những gì tinh hoa, đặc sắc nhất của tỉnh, nơi khiến người dân có quyền tự hào với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, khách quan cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng Vĩnh Yên vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, chưa thể hiện hết vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Bộ mặt đô thị còn nhiều điểm chưa đổi mới; chất lượng dịch vụ đô thị chưa cao; thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhất là điều kiện để hội nhập quốc tế; văn minh và cảnh quan đô thị chưa xứng tầm với một tỉnh năng động và phát triển bậc nhất toàn quốc. Một số giá trị văn hóa, kinh tế, du lịch chưa được phát huy…
Chính vì vậy, để Vĩnh Yên ngày càng phát triển hơn nữa, xứng tầm là trung tâm chính trị của tỉnh, thành phố phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ thành phố tới các xã, phường trung thực, bản lĩnh, giỏi chuyên môn, có khả năng hội nhập, cầu thị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền thành phố và chính quyền cơ sở.
Với vị thế là địa phương đầu tàu, là trung tâm kinh tế của tỉnh, Vĩnh Yên cần những bước đột phá về nhận thức, tư duy, vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách kinh tế để khơi thông các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn lực về vị trí địa lý, đất đai, đầu tư công, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử và hạ tầng thương mại.
Với vai trò là trung tâm văn hóa của tỉnh, Vĩnh Yên phải nâng tầm toàn diện để khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Kiên quyết lập lại trật tự đô thị, xây dựng cảnh quan, văn minh, nếp sống đô thị. Hình thành các khu đô thị kiểu mẫu, đáng sống, văn minh, hiện đại nhưng cũng đậm chất văn hóa, bản sắc riêng của một Vĩnh Yên xanh, sạch, đẹp…
Vĩnh Yên giờ đã tiệm cận với các tiêu chí của đô thị loại I. Dẫu còn nhiều việc phải làm nhưng dù muốn hay không vẫn phải thừa nhận Vĩnh Yên thực sự xứng đáng là một trong những thành phố trẻ năng động và có nhiều bước tiến vượt bậc hàng đầu cả nước hiện nay. Bởi thành phố trẻ ấy nằm trong lòng một đô thị cổ có tuổi đời những 125 năm.
Quang Nam