Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ đời sống tinh thần như kèn, chiêng, trống…, trong đó, nổi bật nhất là kèn Dao. Người Dao thường sử dụng kèn trong các dịp lễ truyền thống của dân tộc, với ý nghĩa biểu thị sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, coi trọng các giá trị truyền thống và tín ngưỡng dân gian.
Thành Công là thôn duy nhất trên địa bàn tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống thành cộng đồng với khoảng 800 người. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hiện nay, người Dao còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Các nghi lễ như cấp sắc, Tết nhảy, khai quang, tạ mả… vẫn được người dân duy trì thực hành trong đời sống. Trong các nghi lễ ấy không thể thiếu các nhạc cụ, đặc biệt là cây kèn Dao.
Nghệ nhân nhân dân Phùng Thế Vỵ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công cho biết: “Đối với người Dao Quần Chẹt ở xã Lãng Công, chỉ có gia đình nào có bàn thờ cả mới có kèn. Kèn của người Dao được làm rất cẩn thận, tỉ mỉ. Kèn có 3 phần, gồm đầu thổi, thân kèn và loa kèn. Đầu thổi là một ống đồng nhỏ bọc gỗ thông với thân kèn. Thân kèn gồm 10 đốt, trong đó có 7 đốt giữa được đục lỗ để khi thổi có thể phát ra âm thanh, 3 đốt còn lại dùng để trang trí. Loa kèn được làm bằng đồng có đường kính từ 10 - 15cm có tác dụng phóng đại âm thanh.
Kèn Dao ở xã Lãng Công là một trong những nhạc cụ quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao. Ảnh: Kim Ly
Người Dao phải lên rừng tìm cây đào, cây hồng để lấy kén sâu. Để tìm được kén có âm thanh hay, có độ vang không thể chỉ dựa vào hình dáng bên ngoài mà phải thổi thử nhiều kén khác nhau mới lựa chọn được. Kén sâu được lắp ở phần đầu thổi để khi thổi tạo ra âm thanh. Phần thân kèn được làm bằng gỗ mít bởi loại gỗ này có đặc tính dẻo dai, dễ đục, tạo hình, có độ bền cao và tạo được tiếng vang đanh, giòn.
Hiện nay, không còn người Dao nào ở thôn Thành Công biết làm kèn. Những cây kèn được các gia đình giữ gìn đến ngày nay đều có tuổi đời hơn trăm năm, được người Dao coi như “báu vật” và gìn giữ cẩn thận, chỉ khi nào gia đình có việc lễ mới đem ra sử dụng. Mặc dù kèn đã cũ song âm thanh của kèn vẫn giữ nguyên độ âm vang như mới.
Việc thổi kèn đòi hỏi người thổi phải có năng khiếu cảm thụ âm nhạc, âm vực tốt, biết cách lấy hơi mới có thể thổi được. Trước đây có nhiều người Dao biết thổi kèn nhưng các cụ đều đã cao tuổi hoặc đã mất, hiện chỉ còn 3 người biết thổi kèn là anh Phùng Văn Soái, anh Dương Văn Sáu và anh Bàn Văn Hòa.
Trong đời sống của người Dao, kèn luôn có mặt trong lễ cưới, lễ cấp sắc, Tết nhảy, gọi mùa… Kèn Dao không chỉ là một nhạc cụ mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao.
Chiếc kèn có thể thổi nhiều giai điệu khác nhau. Ví như trong lễ cưới thì giai điệu vui tươi, rộn rã, còn đám tang thì ai oán, nỉ non. Kèn Dao là một minh chứng cho sự sáng tạo và khả năng nghệ thuật của người Dao, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Anh Phùng Văn Soái có thể thổi kèn hàng chục phút với kỹ năng lấy hơi bằng mũi. Hơn 10 tuổi, anh Soái đi chăn trâu, cắt cỏ, có dịp được nghe các cụ cao tuổi trong thôn thổi kèn. Anh thấy hay liền xin các cụ chỉ dạy. Dần dần, anh học được cách cầm kèn đúng kỹ thuật, cách lấy hơi để thổi được dài, anh còn biết biến tấu kèn Dao thành những giai điệu khác nhau.
Anh Soái cho biết: “Khi thổi kèn, quan trọng nhất là kỹ thuật lấy hơi. Người thổi phải đứng hoặc ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ thể, nhẹ nhàng hít hơi bằng mũi và thổi ra bằng miệng”.
Tham gia chương trình Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc lần thứ XI, tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn, anh Phùng Văn Soái đã trình diễn độc tấu kèn Dao “Âm vang núi rừng”. Tiết mục xuất sắc giành giải B, đem về niềm tự hào cho người Dao ở thôn Thành Công nói riêng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung.
Đồng chí Dương Thị Thanh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công cho biết: "Tiếng kèn trong các dịp lễ, Tết thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Ngoài kèn, người Dao còn có các loại nhạc cụ như chiêng, trống, chũm chọe… Các nhạc cụ có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Dao.
Những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo vệ sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại".
Bạch Nga