Trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, những tác động tiêu cực từ môi trường mạng đối với học sinh ngày càng gia tăng. Trước thực trạng đó, cô Nguyễn Thị Hồng Minh, giáo viên Trường THCS Trung Nguyên (Yên Lạc) đã triển khai sáng kiến “Một số biện pháp giúp học sinh ứng phó với những vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội ở Trường THCS Trung Nguyên” nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý các vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội, giúp các em bảo vệ bản thân. Sáng kiến của cô Minh được Hội đồng Sáng kiến tỉnh đánh giá cao và quyết định nhân rộng trong ngành Giáo dục tỉnh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh luôn gần gũi, quan tâm đến học sinh.
Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho học sinh như sự kết nối, giao lưu và chia sẻ thông tin, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực. Một số học sinh THCS cảm thấy thiếu sự kết nối trong đời sống thực tế đã tìm kiếm sự an ủi qua mạng xã hội dẫn đến càng có cảm giác cô đơn và trầm cảm bởi những kết nối online không thể thay thế được các mối quan hệ trực tiếp trong đời sống thực; một số học sinh khác lại dành nhiều thời gian lướt Facebook, Instagram, TikTok khiến sức khỏe cũng như việc học tập sa sút.
Mạng xã hội cũng là nơi khiến một số học sinh bị bắt nạt, đe dọa, xúc phạm, thậm chí bị tẩy chay chỉ vì những bức ảnh, video hoặc bình luận tiêu cực khiến các em bị tổn thương tâm lý. Có học sinh lại tự so sánh mình với những hình ảnh hoàn hảo của bạn bè hoặc những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội khiến bản thân chịu áp lực, mất tự tin, thường xuyên lo âu, căng thẳng...
Trao đổi, khảo sát là một trong những phương pháp để cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh nắm bắt được tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh.
Trăn trở trước những tác hại mặt trái của mạng xã hội đối với học sinh, cô Minh đã lựa chọn thực hiện sáng kiến kinh nghiệm “Một số biện pháp giúp học sinh ứng phó với những vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội ở Trường THCS Trung Nguyên”. Mục tiêu của sáng kiến là giúp học sinh nhận thức rõ về các vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội; đồng thời trang bị cho các em kỹ năng ứng phó với những vấn đề đó, giúp các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, phát triển kỹ năng sống và tạo một môi trường học tập lành mạnh, tích cực.
Thầy giáo Hán Lượng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Nguyên cho biết: “Sáng kiến của cô Minh áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu để đánh giá tình hình và tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất. Phương pháp khảo sát và điều tra giúp cô Minh thu thập dữ liệu về các vấn đề tiêu cực mà học sinh gặp phải trên mạng xã hội, mức độ ảnh hưởng của vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội đối với học sinh, hiệu quả của các biện pháp ứng phó mà học sinh đã thực hiện.
Phương pháp nghiên cứu các tài liệu khoa học giúp cô Minh rút ra những bài học và giải pháp hiệu quả trong bảo vệ học sinh trước tác động tiêu cực của mạng xã hội đã được áp dụng trước đó. Cô Minh tiến hành thử nghiệm các biện pháp can thiệp như tổ chức các buổi giáo dục về kỹ năng số và tâm lý, giúp học sinh nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng xử lý tình huống, bảo vệ bản thân khi tham gia mạng xã hội”.
Quá trình thực hiện đề tài, cô Minh có nhiều thuận lợi khi học sinh Trường THCS Trung Nguyên có thái độ học tập tốt, lễ phép, tuân thủ nội quy nhà trường; tỷ lệ học sinh sở hữu điện thoại thông minh và các thiết bị kết nối Internet thấp hơn so với khu vực thành phố, thị trấn giúp việc quản lý, kiểm soát tình trạng tiêu cực trên mạng xã hội tác động đến học sinh dễ dàng hơn.
Cùng với đó, phụ huynh học sinh nhiệt tình hợp tác và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin nên các biện pháp tuyên truyền và can thiệp được thực hiện hiệu quả. Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống và phát triển toàn diện cho học sinh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như nhiều phụ huynh đi làm xa khiến việc quản lý, giám sát học sinh từ gia đình chưa đạt hiệu quả cao, từ đó các em dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động từ môi trường mạng xã hội; học sinh có xu hướng sử dụng mạng xã hội sớm nhưng lại thiếu hiểu biết về rủi ro trên mạng và tham gia mạng xã hội với tâm lý tò mò...
Học sinh Trường THCS Trung Nguyên sân khấu hóa nội dung sáng kiến "Một số biện pháp giúp học sinh ứng phó với những vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội ở Trường THCS Trung Nguyên” của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh.
Trước tình hình đó, cô Minh đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường về sự cần thiết của đề tài và đã nhận được sự ủng hộ. Cô cũng tích cực kết nối với phụ huynh để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục học sinh. Ngoài ra, cô Minh còn tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn mạng xã hội, khuyến khích phụ huynh tham gia các hoạt động hỗ trợ học sinh…
Với sự nỗ lực, sáng kiến của cô Minh đã triển khai thành công tại Trường THCS Trung Nguyên; sau đó được mở rộng triển khai ở nhiều trường học tại 5 Phòng GDĐT trong tỉnh gồm Yên Lạc, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Lập Thạch và đều đạt kết quả tích cực. Học sinh hiểu rõ hơn về các nguy cơ và tác động tiêu cực của mạng xã hội, đồng thời có kỹ năng xử lý các vấn đề tiêu cực trên mạng để bảo vệ bản thân.
Nhờ đó, các em giảm thiểu được nhiều vấn đề như tình trạng bắt nạt qua mạng, thông tin sai lệch, lừa đảo trên mạng xã hội, đồng thời giảm thiểu tình trạng căng thẳng, lo âu, tăng cường sức khỏe tinh thần, giúp cải thiện kết quả học tập.
Kết quả đạt được đã được Hội đồng Sáng kiến tỉnh và các trường học áp dụng đánh giá cao. Cô Minh chia sẻ: “Để nhân rộng sáng kiến trên toàn tỉnh, cần có sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, đặc biệt là Sở GDĐT, UBND tỉnh và Phòng GDĐT các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, việc tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho giáo viên và phụ huynh là yếu tố then chốt trong việc triển khai thành công sáng kiến này ở các địa phương khác".
Sáng kiến “Một số biện pháp giúp học sinh ứng phó với những vấn đề tiêu cực trên mạng xã hội ở Trường THCS Trung Nguyên” của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh góp phần đấu tranh mạnh mẽ với các tác hại trên mạng xã hội tác động đến giới trẻ, tạo dựng một môi trường học đường an toàn, tích cực; đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kỹ năng, nhân cách cho học sinh.
Bài, ảnh: Minh Hường