Chung tay cùng cả nước hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tuân thủ và thực hiện việc kiểm kê phát thải khí nhà kính trong sản xuất theo quy định.
Sản xuất công nghiệp đã và đang là lĩnh vực có phát thải khí nhà kính cao và tiêu thụ năng lượng lớn trong quá trình hoạt động. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với hơn 400 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); 16 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập và giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, thu hút hơn 600 cơ sở SXKD.
Cán Bộ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên).
Trung bình mỗi tháng, sản lượng điện tiêu thụ trong các KCN của tỉnh là khoảng 200 triệu kWh, sản lượng điện các tháng cao điểm nắng nóng tăng từ 20 - 30%.
Nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các KCN, CCN nói riêng và toàn tỉnh nói chung, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh; thực hiện các giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường.
Trong 9 KCN đã đi vào hoạt động, có 7 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động với tổng công suất 38.500 m3/ngày, đêm. Ban Quản lý các KCN tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư trong KCN; kiên quyết không chấp thuận đầu tư đối với dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các KCN, nhất là các cơ sở có hoạt động xả thải gây ô nhiễm không khí.
Để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công thương quan tâm phổ biến kịp thời các chính sách mới liên quan đến phát triển năng lượng; việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tới các doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng của tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạọ, năng lượng sạch trong sản xuất.
Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt "Đề án Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030"; mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp ở mức 15% vào năm 2030, góp phần thực hiện mức phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chỉnh phủ tại COP 26.
Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, tham gia góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Hiện thực hóa các mục tiêu và nhiệm vụ trong đề án, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng hơn việc trồng cây, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.
Các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm đều đã thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án, hành động tiết kiệm năng lượng.
Tiêu biểu là Công ty Honda Việt Nam (HVN). Hướng đến mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 46% phát thải CO2 so với năm 2019 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050, HVN đã áp dụng 2 chiến lược chính là tăng cường các hoạt động tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng sạch.
Từ năm 2008, HVN đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trồng cây bảo vệ môi trường tại các địa phương. Cùng với việc cải thiện động cơ đốt trong và phát triển các mẫu xe thân thiện với môi trường, năm 2023, HVN đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy với tổng công suất 8MWp, góp phần giảm sử dụng điện lưới quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/năm, tương đương giảm khoảng 4.000 tấn CO2/năm.
Thông qua các hoạt động tiết kiệm năng lượng và áp dụng sử dụng điện áp mái, đến cuối năm tài chính 2024 (hết tháng 3/2024), HVN giảm 16% CO2 so với năm 2019.
Trong bối cảnh cung - cầu năng lượng trên thế giới có những biến động, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới.
Theo Nghị định số 06 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon thì các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính trước ngày 31/3/2025 và theo Quyết định số 13 ngày 13/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính cập nhật, trong 2.166 doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, môi trường, nông lâm nghiệp… trong nước phải kiểm kê khí nhà kính, tỉnh có 63 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phải thực hiện.
Sở Công thương đang phối hợp với các sở, ngành chức năng triển khai nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ và thực hiện những biện pháp về giảm phát thải, kiểm kê khí nhà kính theo quy định. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa sản xuất trên địa bàn.
Bài, ảnh: Lưu Nhung