Sau ngày đất nước thống nhất, nhất là sau 27 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với phương châm “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”.
Đô thị Vĩnh Yên vươn mình đổi thay từng ngày. Ảnh: Nguyễn Lượng
Những ngày này, cùng với người dân cả nước, bầu không khí rộn ràng chào đón Tết Độc lập đang tràn ngập từ thôn xóm đến phố phường và trong lòng mỗi người dân Vĩnh Phúc.
Tại các miền quê, người dân cùng nhau chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, treo cờ Tổ quốc chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thuộc lớp người cao tuổi chứng kiến sự phát triển của đất nước, địa phương qua nhiều giai đoạn, ông Chu Văn Thắng, 95 tuổi, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) luôn giáo dục con cháu về giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn của ngày Tết Độc lập - ngày mà cách đây 79 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản thân ông luôn tự hào, phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương; người dân địa phương luôn đoàn kết, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp... tạo nên khung cảnh tươi đẹp, đầy sức sống của một vùng quê thanh bình, trù phú.
Năm 2023, xã Ngũ Kiên là địa phương đầu tiên của tỉnh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện và nguồn lực huy động hợp pháp tại địa phương, đến nay, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa trên địa bàn… được đầu tư xây dựng khang trang.
Diện mạo nông thôn mới xanh - sạch - đẹp xã Bình Dương (Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Lượng
5 năm về trước, xã Ngũ Kiên là điểm sáng của tỉnh về thực hiện thành công dồn thửa, đổi ruộng, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, những mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao... đưa giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt gần 160 triệu đồng/năm.
Người dân năng động bắt kịp sự phát triển của công nghệ số trong đời sống và kinh doanh. Hiện nay, người dân trong xã chủ yếu sử dụng phương thức thanh toán quét mã QR bằng điện thoại di dộng thông minh để mua hàng hóa; lắp đặt wifi phục vụ nhu cầu học tập, giải trí cũng như thanh toán điện tử.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã vượt 70 triệu đồng, nằm trong tốp đầu các địa phương có thu nhập cao của tỉnh; chất lượng giáo dục đứng tốp đầu các bậc học trong toàn huyện... Ngũ Kiên hôm nay đã và đang trở thành miền quê đáng sống, niềm tự hào của người dân.
Về Vĩnh Phúc hôm nay, đi dọc các tuyến đường thảm nhựa rộng rãi, thông thoáng đến các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên sẽ không nhận thấy sự khác biệt nhiều giữa thành phố và nông thôn.
Hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện, với tổng chiều dài đường bộ hơn 7,1 nghìn km, trong đó, đường cao tốc 40,4km, quốc lộ 89,95km, đường tỉnh 447,3km, đường đô thị 252,12km, đường giao thông nông thôn 6.271km.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh được đầu tư xây dựng tạo điểm nhấn quan trọng cho không gian đô thị Vĩnh Phúc và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Riêng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dành gần 19.600 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với mục tiêu kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác.
Cùng với đó, tỉnh triển khai chuyển đổi số tới các bản làng, thôn xóm, giúp người dân tiếp cận những thông tin hữu ích về kinh tế, chính trị, sản xuất, chăn nuôi và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần.
Với quan điểm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục và có chính sách đãi ngộ học sinh giỏi các cấp, nhất là học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Năm 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh có học sinh đạt giải trong các kỳ thi olympic quốc tế.
Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng.
Sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tạo nên những miền quê giàu đẹp, đáng sống. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, nhờ đó đã mở rộng độ tuổi thụ hưởng chính sách, góp phần tích cực hỗ trợ người cao tuổi nghèo, cận nghèo không có lương hưu và các trợ cấp khác được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến cuối năm 2023 giảm còn 0,61% và tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,38%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí.
100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia, 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.
79 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu Cách mạng lịch sử năm 1945, người dân Vĩnh Phúc càng thêm tự hào về những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được và tiếp tục chặng đường hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Mai Liên