Kỳ 1: “Quả ngọt” từ những quyết sách vì dân
Khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt “lấy dân làm gốc”, nhân dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân thụ hưởng”, tạo thành tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao mức thụ hưởng của nhân dân, đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm mọi quyết sách và gặt hái được nhiều “quả ngọt”.
Những miền quê đáng sống
Về xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) hôm nay có thể cảm nhận rõ sự “thay da, đổi thịt” ở nơi đây với những tuyến đường từ trục chính đến các đường thôn, ngõ xóm được trải nhựa, đổ bê tông sạch sẽ; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; hai bên đường được trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tường… tạo nên bức tranh trù phú, ấm no, hạnh phúc của vùng quê nông thôn mới (NTM).
Xã nông thôn mới kiểu mẫu Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh. Ảnh: Trà Hương
Là địa phương tiên phong, điểm sáng của huyện Vĩnh Tường, của tỉnh trong công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, đến nay, Ngũ Kiên thực sự “bứt phá” với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Năm 2021, Ngũ Kiên được công nhận là xã NTM nâng cao và đến năm 2023 trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đến nay, 10/13 thôn của xã đạt thôn NTM kiểu mẫu, trong đó có 1 thôn thông minh; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,16%...
Đồng chí Cao Thị Mai Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ngũ Kiên cho biết: “Kết quả đạt được trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương đến từ sức mạnh đại đoàn kết, sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, xã luôn chú trọng phát huy dân chủ trong quá trình triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đảm bảo công khai, minh bạch; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò chủ thể của nhân dân”.
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường là hơn 3.913 tỷ đồng, trong đó có gần 740 tỷ đồng huy động từ nhân dân và cộng đồng.
Chia sẻ về quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường Đàm Hữu Khanh cho biết: “Người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được thụ hưởng thành quả và thấy rõ lợi ích từ chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu nên sẵn sàng chung sức, đồng lòng, góp công, góp sức cùng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí”.
Thời điểm bước vào xây dựng NTM (cuối năm 2010), toàn tỉnh có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM, 80 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực, nhất là việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Diện mạo nông thôn Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới theo hướng khang trang, đồng bộ, hiện đại, chất lượng đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.
Từ việc được thụ hưởng thành quả, nhân dân càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực ủng hộ, tham gia, hăng hái thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng những miền quê đáng sống.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục duy trì đạt chuẩn NTM theo quy định giai đoạn 2021 - 2025; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn NTM; thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đang hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Yên Lạc đang tập trung thực hiện hoàn thành các điều kiện, tiêu chí đề nghị xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.
Nơi đất khó “chuyển mình”
Là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của huyện Tam Đảo, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, xã Đạo Trù - nơi có gần 90% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống đã đổi thay từng ngày với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.
Đồng chí Lưu Xuân Năm, Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ ở mức dưới 10 triệu đồng/năm, điều kiện tự nhiên khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, diện tích đất tự nhiên rộng nhưng giao thông chưa phát triển.
Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã Đạo Trù đặc biệt quan tâm phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự tin tưởng, đồng thuận và nhất trí cao của nhân dân, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Cùng với các giải pháp nâng cao đời sống, tỉnh luôn quan tâm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Trà Hương
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%; giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 90%; 100% các thôn có thiết chế văn hóa…”.
Từng là một trong những địa phương nghèo nhất của huyện Tam Đảo, nhờ vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Bồ Lý đã thoát khỏi danh sách xã nghèo và hiện đang phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bên cạnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, cách làm, nâng cao thu nhập của nhân dân.
Từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã được triển khai, mang lại thu nhập cao cho người dân như sản phẩm na dai Bồ Lý đã trở thành đặc sản của vùng núi Tam Đảo, sản phẩm OCOP của địa phương và ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Ông Ngô Trung Chín, một trong những hộ trồng na dai có kinh nghiệm lâu năm ở thôn Ngọc Thụ, xã Bồ Lý cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp, ngành, gia đình tôi đã từng bước mở rộng diện tích, chuyển đổi sang trồng chuyên canh cây na dai, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc, thu hoạch… để nâng cao chất lượng và sản lượng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn được quan tâm đầu tư, các tuyến đường từ ngõ xóm đến trung tâm xã đều được cứng hóa, giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương thuận lợi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên”.
Nhờ các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, của tỉnh, diện mạo các xã khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh có sự thay đổi rõ rệt.
Các chương trình, chính sách, dự án phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS được tỉnh chỉ đạo triển khai lồng ghép với chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, đề án, chính sách phát triển KT - XH khác của tỉnh, tạo sự thay đổi đồng bộ, toàn diện.
Đời sống của đồng bào DTTS và miền núi ngày càng nâng lên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt gần 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,09%; 100% các xã có trạm y tế; hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư…
Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 100% các xã khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã đạt chuẩn NTM.
“Quả ngọt” Vĩnh Phúc “gặt hái” được không chỉ ở việc đời sống nhân dân được nâng lên mà còn ở niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền ngày càng được củng cố, tăng cường. Được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển đã góp phần khơi dậy trong nhân dân khát vọng vươn lên, cống hiến, ý chí tự lực, tự cường, tạo xung lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Lê Mơ - Hoàng Sơn