Ngoài kiến thức, các “sĩ tử” có thể nhận gì từ những năm tháng dưới mái trường đại học? - câu trả lời sẽ được giải đáp phần nào trong cuốn sách “Mong gì từ Đại học?” do TS Giáp Văn Dương chủ biên cùng nhóm tác giả trẻ thực hiện.
Cuốn sách “Mong gì từ Đại học?” tập hợp 15 bài viết của những người trẻ viết về các trải nghiệm học đại học của mình.
Cuốn sách "Mong gì từ Đại học?". Ảnh: TIMES
15 tác giả, có người là giảng viên đại học, giáo viên phổ thông, có người là bác sĩ, nghiên cứu sinh…, hay vẫn đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Họ đã hoặc đang học tập ở nhiều môi trường giáo dục khác nhau nhưng đều có một điểm chung: Đại học đã tác động mạnh mẽ và có những dẫn bước làm thay đổi cuộc đời.
Nhìn lại hành trình đại học mình đã đi qua để chia sẻ những bài học cho thế hệ sau là cách mà các tác giả cuốn sách đã thực hiện. Đó là các bài viết “Đi tìm sự chủ động”, “Lúa chín cúi đầu”, “Đại học không học đại”, “Những đỉnh núi trước mắt”, “Đại học có dạy ta sự công bằng?”, “Nhành cây tâm hồn”, “Trốn. Chạy. Phản kháng”, “Cái giá của sự cạnh tranh”, “Hòa nhập hay sính ngoại?”, “Thư gửi tôi năm 18 tuổi”, “Sống vội”, “Giấc mơ và đích đến”, “6 tháng”, “Nỗi sợ nói trước đám đông”, “Tìm tương lai để hiểu quá khứ”,…
Mỗi bài viết là một câu chuyện thực tế, được viết ra bởi chính trải nghiệm sống của các tác giả. Mỗi bài viết là một hành trình thích nghi, làm quen và học hỏi trong suốt những năm đại học và sau khi tốt nghiệp ra trường, bắt đầu bươn chải với cuộc đời. Có nhiều niềm vui và hạnh phúc, nhưng cũng có những thất vọng và tự vấn mình thực sự muốn gì, cuộc đời sao lại không như mình tưởng tượng, thậm chí có cả những lúc chán nản, muốn bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tất cả các tác giả đều đã tự tìm ra con đường riêng của mình, để giờ đây cùng chia sẻ với các bạn trẻ.
Tác giả Ngô Thị Liên Hương trong bài viết “Cái giá của sự cạnh tranh” đã viết: “Tôi cũng cạnh tranh. Nhưng không với ai khác ngoài chính mình. Bản thân không còn phải khổ sở về việc làm thế nào để hơn ai đó, để leo lên Top 1 của một bảng xếp hạng nào đó, mà là những băn khoăn để xây dựng những bài giảng tốt hơn, xây dựng môi trường học tốt hơn, cùng các thầy cô làm được gì cho các em sinh viên để các em có nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ, làm việc nhóm. Nhiều năm sau Đại học, tôi dần cảm thấy nhẹ nhõm hơn với những tiến bộ thật sự của mình, về suy nghĩ và về những trưởng thành trong chuyên môn mà không cần quá áp lực so mình trong thước đo với ai cả. Bây giờ tôi thấy vui vì mỗi thầy cô, mỗi đồng nghiệp, mỗi người học đối với tôi đều là một nguồn kiến thức và kinh nghiệm quý giá mà tôi có thể kết nối và học hỏi”.
Có thể không xuất sắc về văn chương, nhưng các chia sẻ thực tế này sẽ giúp các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa bước vào đời sẽ thấy nhiều cuộc đời của những người quanh ta, để từ đó học hỏi, thấu hiểu hơn, thông cảm hơn, với mọi người và với chính bản thân mình.
“Mong gì từ Đại học?” là cuốn sách đầu tiên của dự án Rosetta do nhóm 5 người gồm CEO TIMES Vũ Trọng Đại, TS Giáp Văn Dương, TS Ngô Di Lân, nhà báo Trương Anh Ngọc và giảng viên Dương Trọng Tấn khởi xướng. Cuốn sách “Mong gì từ Đại học?” do TIMES và NXB Dân trí liên kết xuất bản.
Phương Hoa (Theo hanoimoi.vn)