Những chiếc chải đua nhau rẽ sóng lao vun vút trên dòng Lô giang trong tiếng hò reo, cổ vũ náo nhiệt của người dân và du khách đã tạo nên bầu không khí náo nhiệt, vui tươi, mang đậm bản sắc văn hóa của nhân dân xã Tứ Yên, huyện Sông Lô trong mỗi dịp Lễ hội Bơi chải truyền thống hằng năm.
Lễ hội Bơi chải truyền thống xã Tứ Yên góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ảnh: Kim Ly
Xã Tứ Yên nằm ở phía Tây Nam tả ngạn sông Lô. Nơi đây có hồ Điển Triệt (còn gọi là đầm Miêng), được vua Lý Nam Đế chọn làm căn cứ dựng thành hạ trại, thao luyện thủy quân chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Tại đây đã diễn ra trận thủy chiến vang dội.
Nhằm tái hiện lại hình ảnh những trận thủy chiến của đức Thánh Tản Viên, vua Lý Nam Đế trên hồ Điển Triệt, ngày 25/5 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân xã Tứ Yên tổ chức Lễ hội Bơi chải truyền thống. Lễ hội là hình thức khai hạ, mừng nước, một tập tục lâu đời của cư dân trồng lúa nước.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, có thời điểm, Lễ hội Bơi chải truyền thống xã Tứ Yên bị gián đoạn. Đến năm 2010, lễ hội được khôi phục, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân địa phương.
Để tổ chức lễ hội, nhân dân chọn ra người chủ tế (là người mẫu mực, gia đình hòa thuận, có uy tín cao trong làng), người tu lễ dâng thánh và người tham gia bơi chải (là các thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, thạo bơi lội).
Trước ngày chính hội từ 5 - 7 ngày, dân làng tiến hành lễ tế yết cáo thánh thần xin được hạ chải. Sau đó, kéo chải từ nơi cất giữ đưa xuống sông để các đội tập luyện. Các đội được bốc thăm chọn chải. Trước lễ hội 1 - 2 ngày, các đội kiểm tra lại chải, dầm lái, dầm bơi, ván ngồi để đảm bảo quá trình thi đấu diễn ra an toàn, thuận lợi.
Cũng như mọi năm, năm nay, các nghi thức trong Lễ hội Bơi chải xã Tứ Yên được diễn ra tuần tự theo truyền thống. Sáng sớm ngày 30/6 (tức ngày 25/5 âm lịch), nhân dân xã Tứ Yên tiến hành nghi thức tế Hà bá (tế thần sông) trên sông Lô trước cửa đình Yên Lập.
Ban Tổ chức lễ hội tổ chức khai mạc lễ hội, đọc diễn văn ca ngợi công lao của các vị thánh, nêu rõ nguồn gốc, ý nghĩa của Lễ hội Bơi chải, thể lệ hội thi… Tham gia lễ hội năm nay có 3 đội đại diện cho 3 miền: Yên Kiều, Yên Lương, Yên Phú.
Mỗi đội có 30 người, mặc trang phục bơi chải truyền thống với màu sắc theo màu chải của đội mình. Sau khi các thủ tục, nghi lễ được hoàn tất, trọng tài điều khiển các đội xuống chải của đội mình.
Những chiếc chải được đóng bằng gỗ, dài 20,5 m, chia thành nhiều khoang. Đầu chải được tạo hình đầu rồng, thân chải hình đuôi tôm cong ngược.
Trong khi bơi, các vận động viên ngồi trên các khoang chải, tay cầm dầm chải đúng chiều, bơi theo nhịp hò của người hò mõ. Các chải lao vun vút trong tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ của người dân ở hai bên bờ hồ Điển Triệt.
Các chải rẽ sóng lướt nhanh trên dòng Lô Giang. Ảnh: Kim Ly
Những chiếc chải như những con rồng lửa lướt nhanh trên dòng Lô Giang tạo nên vẻ đẹp mạnh mẽ, oai hùng. Các đội thi đấu trên đoạn sông dài khoảng 3 km, chạy 5 vòng quanh Soi Rạng, trước cửa đình Yên Lập. Kết quả chung cuộc, đội miền Yên Phú đoạt giải Nhất, đội miền Yên Lương đoạt giải Nhì và đội miền Yên Kiều đoạt giải Ba.
Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Yên Phú cho biết: “Hằng năm, cứ đến Lễ hội Bơi chải, nhân dân trong làng lại nô nức đi xem hội. Được hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt, tưng bừng của ngày hội khiến ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, tự hào về truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Năm nay, các đội thi đấu rất quyết liệt, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương theo dõi, cổ vũ. Tôi rất vui khi đội nhà tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân trong nhiều năm, đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân thôn Yên Phú”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Yên Nguyễn Phú Hưng cho biết: “Từ khi được phục dựng đến nay, hằng năm, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức Lễ hội Bơi chải truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự.
Lễ hội thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống được kết tinh từ ngàn đời của nhân dân xã Tứ Yên, thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ, mưu trí của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thông qua việc duy trì tổ chức lễ hội góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước của các thế hệ người dân địa phương”.
Bạch Nga