Cùng với nhân dân cả nước, những ngày này, người dân Vĩnh Phúc đang hướng về đất Tổ với lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là dịp để mỗi người dân bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”...
Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao to lớn của các vua Hùng.
Sinh thời, trong một dịp về thăm đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người con đất Việt, nhắc nhở mỗi chúng ta luôn hướng về nguồn cội thiêng liêng, tự hào là dòng dõi con Rồng cháu Tiên.
Năm 2001, Nhà nước chính thức công bố ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày quốc lễ (quốc giỗ). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tiếp tục được trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3” nhắc nhở mỗi người con đất Việt, dù đi đâu, ở đâu thì dịp tháng 3 hãy nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Năm nay, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội đền Hùng được tỉnh Phú Thọ tổ chức gắn với Tuần văn hóa - du lịch đất Tổ, diễn ra từ ngày 9 - 18/4 (tức mùng 1 - 10 tháng 3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Đây là dịp để những người con đất Tổ và du khách thập phương ôn lại tiến trình lịch sử của dân tộc, tôn vinh các di sản văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ; đồng thời, thúc đẩy tinh thần đoàn kết dân tộc.
Vào dịp giỗ Tổ, mỗi người dân, mỗi gia đình, địa phương lại có nhiều hoạt động khác nhau để tri ân các vua Hùng và các bậc tiền nhân. Năm nào cũng vậy, vào dịp giỗ Tổ, gia đình bà Dương Thị Lương ở thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch đều tổ chức chuyến hành hương về miền đất Tổ, thành tâm tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng và tham gia các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng.
Bà Lương cho biết: “Mỗi lần trở về vùng đất Tổ, tôi và các thành viên trong gia đình rất vui mừng, háo hức khi được tận mắt chứng kiến, thực hành các nghi lễ tưởng nhớ các vua Hùng và hòa mình vào không gian linh thiêng nơi thờ tự, tham gia các sự kiện quảng bá di sản văn hóa của dân tộc…
Qua các hoạt động giúp các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, biết ơn những công lao, đóng góp, hy sinh của thế hệ cha ông để xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, hạnh phúc như hôm nay”.
Vào ngày giỗ Tổ hằng năm, các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Đình Chu, huyện Lập Thạch lại sửa soạn mâm lễ ra đình và miếu Đình Chu, nơi thờ vọng 18 vị vua Hùng để làm lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của các vua Hùng.
Nghi lễ cúng tế được thực hiện trang nghiêm, thành kính, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Đình Chu nói riêng, nhân dân Vĩnh Phúc và nhân dân cả nước nói chung đối với công lao của các vua Hùng; đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Với vị trí địa lý nằm liền kề, giáp ranh với tỉnh Phú Thọ, vào dịp giỗ Tổ, nhiều đoàn khách du lịch đi đền Hùng về thường ghé thăm các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như Bảo tàng tỉnh, Văn Miếu tỉnh, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu di tích danh thắng Tây Thiên…
Nắm bắt cơ hội này, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự để sẵn sàng đón khách du lịch.
Trong dịp này, nhiều gia đình làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên, thắp nén tâm nhang để tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị vua Hùng, các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, non sông; nguyện hứa sẽ đoàn kết, tiếp bước cha ông dựng xây cơ đồ, viết nên những trang sử mới, làm rạng danh quốc gia, dân tộc.
Bạch Nga