Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, tỉnh đang triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với xu hướng phát triển kinh tế hiện đại. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nhờ các chính sách, hạ tầng kỹ thuật, cũng như các chương trình đào tạo và hỗ trợ của tỉnh.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thúc đẩy chuyển đổi số và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan. Điều này giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động hằng ngày, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong sự phát triển bền vững. Tỉnh cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025.
Song song với đó, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cũng được tổ chức nhằm trang bị cho chủ doanh nghiệp kỹ năng áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, thương mại và quản lý. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tận dụng các công cụ số để tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả công việc và mở rộng thị trường.
Một điển hình về doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số là Công ty TNHH Haesung Vina, khu công nghiệp (KCN) Khai Quang (Vĩnh Yên). Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa quy trình vận hành.
Haesung Vina đã áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh, giúp giám sát và điều phối hoạt động sản xuất theo thời gian thực. Nhờ đó, công ty đã giảm thiểu sai sót kỹ thuật, nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí vận hành.
Ngoài ra, công ty cũng được hỗ trợ trong việc triển khai các giải pháp thương mại điện tử, giúp mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng tiềm năng hiệu quả. Đặc biệt, chính sách đầu tư mạnh vào hạ tầng nền tảng số và phối hợp với các đơn vị công nghệ lớn như FPT triển khai các chương trình đào tạo của tỉnh giúp Haesung Vina nâng cao năng lực số của đội ngũ nhân sự, hỗ trợ tối ưu hóa quy trình vận hành.
Một doanh nghiệp khác cũng được hỗ trợ chuyển đổi số là Công ty TNHH CellMech International Vina, chuyên sản xuất vỏ ghế ô tô xuất khẩu tại KCN Khai Quang.

Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ điều khiển hiện đại tại các trạm biến áp giúp nâng cao hiệu quả điều hành lưới điện, đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất. Ảnh: Chu Kiều
Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình chuyển đổi số của tỉnh, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa quy trình vận hành. CellMech International Vina áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh, giúp giám sát và điều phối hoạt động sản xuất theo thời gian thực. Nhờ đó, công ty có thể giảm thiểu sai sót, nâng cao năng suất và tiết kiệm chi phí vận hành.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến. Các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, bảo hiểm xã hội đều được số hóa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc triển khai hệ thống dữ liệu số cũng giúp doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin thị trường, kết nối với đối tác và khách hàng một cách nhanh chóng.
Bên cạnh yếu tố nhân lực, hạ tầng số cũng là một trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của tỉnh thời gian qua. Tỉnh đã cáp quang hóa toàn bộ hệ thống mạng viễn thông, phủ sóng di động 4G trên toàn tỉnh và thử nghiệm mạng 5G.
Qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ nhanh chóng, phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến và nâng cao khả năng kết nối với khách hàng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ trong thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh thông qua các chương trình hỗ trợ từ Sở Công thương.
Các doanh nghiệp được hướng dẫn tiếp cận các nền tảng trực tuyến, tối ưu hóa hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ và kết nối với thị trường tiềm năng. Đây là một trong những bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ giữ vững vị thế trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Những nỗ lực trên đã mang lại nhiều thành tựu, giúp tỉnh tăng đáng kể thứ hạng DTI (Chỉ số chuyển đổi số). Tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng dữ liệu số, mở rộng nền tảng số và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, UBND tỉnh cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng dịch vụ công.
Với những cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ của của tỉnh đang giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động một cách hiệu quả. Trường hợp của Haesung Vina và CellMech International Vina là những minh chứng rõ nét cho sự thành công của các chương trình hỗ trợ này, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp khác trong tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển hiệu quả bền vững.
Thành An