Để nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động hội, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong chỉ đạo, điều hành, từng bước thích ứng với công cuộc chuyển đổi số.
Đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng CNTT”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tích cực chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền thực hiện chuyển đổi số, áp dụng CNTT, tăng cường sử dụng các phần mềm điều hành tác nghiệp trong công tác quản lý, điều hành; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội trong tổ chức hoạt động…
Hưởng ứng cuộc thi Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã triển khai sâu rộng đến các cấp hội, thu hút 45 tác phẩm tham gia dự thi và lựa chọn được 5 bài dự thi xuất sắc tham gia dự thi toàn quốc.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành. Ảnh: Dương Chung
Kết quả, tác phẩm dự thi Phát triển ứng dụng “Phụ nữ 4.0” của tác giả Ngô Thị Thùy Linh và Ngô Thị Kim Oanh (Hội LHPN Tam Dương) đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết toàn quốc và đạt giải Ba. Đây là ứng dụng dành riêng cho cán bộ, hội viên phụ nữ, cho phép cán bộ hội quản lý thông tin liên quan đến hội viên để phục vụ việc làm các báo cáo, quản lý công việc và nhắc lịch họp, lịch làm việc một cách đầy đủ, chuyên nghiệp.
Đồng thời, thông qua ứng dụng, hội viên phụ nữ theo dõi thông tin cá nhân, thông tin sức khỏe và có thể kết nối, theo dõi các hội viên khác, các hội nhóm theo chủ đề mình yêu thích; giúp chị em có thêm nhiều kiến thức để phát triển bản thân và tham gia các hoạt động hội.
Để nâng cao năng lực, trình độ và tăng cường ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh khai thác văn bản chỉ đạo điều hành và trao đổi thông tin trên hệ thống văn bản điện tử của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; thực hiện chữ ký số trong giao dịch điện tử và chỉ đạo điều hành hoạt động trong hệ thống hội.
Đồng thời ứng dụng các phần mềm theo dõi, quản lý cán bộ, hội viên, cập nhật báo cáo thống kê và công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam; chỉ đạo các cấp hội ứng dụng CNTT và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, tuyên truyền kịp thời nội dung, hoạt động, phong trào của hội, của địa phương.
Hội đã ứng dụng các công cụ, phần mềm để xây dựng tài liệu tuyên truyền trực tuyến như tờ rơi điện tử, infographic, các video clip…; tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học, kỹ năng ứng dụng các công cụ vào hoạt động hội. Từ năm 2024 đến nay, các cấp hội đã tổ chức 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng, ứng dụng CNTT cho hơn 1.700 cán bộ hội chuyên trách và Phó Chủ tịch hội cơ sở. Đến nay, 100% cán bộ hội chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác hội.
Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng và duy trì 148 trang thông tin điện tử và fanpage; hơn 1.400 nhóm zalo với 44.000 thành viên tham gia. Trang Fanpage "Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc" thường xuyên đăng tải nhiều thông tin bổ ích, kịp thời như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XV; hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, địa phương; những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; các giải pháp bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Xây dựng “Nhà sạch - vườn xanh”...
Để hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về chuyển đổi số liên quan đến khởi sự kinh doanh cho gần 200 hội viên phụ nữ là chủ doanh nghiệp, thành viên Câu lạc bộ "Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp"; 100 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được tập huấn về ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động doanh nghiệp...
Đồng chí Trần Thúy Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN tỉnh cho biết: "Việc ứng dụng CNTT trong công tác hội là xu thế tất yếu, công cụ hữu ích giúp thay đổi phương thức hoạt động. Nhờ đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp hội được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội; thực hiện hiệu quả công tác tập hợp hội viên phụ nữ...
Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ; tuyên truyền, quán triệt triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”; thực hiện hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động của hội... Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò tổ chức hội trong tình hình mới.
Minh Thu