Kỳ 2: Thời nào cũng là Bộ đội Cụ Hồ
Ở đâu đó vẫn có những kẻ cơ hội chính trị, thế lực thù địch còn nói xấu, bôi nhọ, hạ uy tín những người lính thời bình với mục đích chống phá cách mạng. Chúng cho rằng “bộ đội thời bình làm gì có chuyện hy sinh hay cống hiến”, “bộ đội bây giờ đông nhưng không mạnh”… Với cách tiếp cận trực diện, phản ánh chân thực cuộc sống, đặc thù công việc và những hy sinh thầm lặng của bộ đội thời bình, chúng ta sẽ hiểu được những luận điệu hoàn toàn bịa đặt này.
Tiếng súng đã dứt nhưng hiểm nguy vẫn cận kề
Ngược thời gian 3 năm về trước, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam và Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên xuất hiện ổ dịch. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, làm xáo trộn cuộc sống bình yên, người dân hoang mang, lo sợ.
Trong công cuộc phòng, chống đại dịch, CBCS quân đội – một trong lực lượng nòng cốt có mặt sớm nhất, kịp thời giúp người vơi đi phần nào những lo lắng đó.
Đại tá Hoàng Nam Chung, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 giống như một “phép thử” lòng dũng cảm, sự can trường, tinh thần vì dân với những người lính thời bình. Cuộc chiến này không phải chiến đấu với một đội quân xâm lăng hữu hình bằng da thịt và đạn pháo mà là một loại giặc vô hình, nguy hiểm hơn, khó lường hơn mà bắt buộc chúng tôi phải đấu tranh trực diện, phải chiến thắng để bảo vệ sức khỏe và sự bình an cho nhân dân”.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh ra sức rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Trường Khanh
Vậy là những người lính thời bình lại ra trận, tuy không có tiếng súng, nhưng cam go, hiểm nguy thường trực, cận kề. Khi số ca nhiễm Covid-19 không ngừng tăng, để đảm bảo an toàn cho nhân dân, những người lính Cụ Hồ không chỉ cần sự xông pha, dám chấp nhận rủi ro mà họ còn dành cả tinh thần tận tâm “nhường cơm, sẻ áo” vì nhân dân.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 834 Bộ CHQS tỉnh đã nhường toàn bộ doanh trại, nơi ăn, ngủ của mình cho nhân dân về để cách ly; đồng thời tận tình, chu đáo chăm lo từ miếng cơm, tấm áo đến đồ dùng sinh hoạt cho hơn 300 công dân.
Sẽ không ai có thể quên được hình ảnh những chiến sĩ quân đội tình nguyện làm người nội trợ để người dân có bữa cơm ngon; sẵn sàng trực gác bất kể ngày đêm để người dân có giấc ngủ bình yên; gấp rút sửa chữa đồ dùng, thiết bị để phục vụ nhân dân được chu đáo nhất…
Trong suốt thời gian chống đại dịch Covid – 19, LLVT toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 1.700 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của hơn 15 nghìn lượt CBCS; triển khai 54 điểm cách ly y tế tập trung phục vụ trên 10 nghìn lượt công dân; phối hợp với Trường Quân sự Quân khu 2, Lữ đoàn 204 và Sở Y tế thiết lập bệnh viện dã chiến.
Với tinh thần “Thần tốc, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng an toàn, hiệu quả”, LLVT tỉnh có trên 170 CBCS quân y tăng cường cho tuyến y tế cơ sở, hơn 7.500 CBCS dân quân tham gia tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng.Nhiều đồng chí nữ quân y có con nhỏ vẫn không ngại khó khăn, nguy hiểm, tình nguyện lên đường chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch. Dù phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng họ vẫn chấp nhận để đảm bảo sự an toàn, bình yên của nhân dân.
Qua đại dịch, không ít người dân đã có cách nghĩ, cách nhìn khác về bộ đội thời bình. Những bức tâm thư, những lời cảm ơn đầy chân thành, xúc động của công dân sau cách ly gửi cho CBCS là minh chứng rõ nét nhất cho những đóng góp, hy sinh thầm lặng ấy.
Nói về tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong thời bình, chúng ta làm sao có thể quên được sự hy sinh anh dũng của 11 CBCS cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế năm 2020.
Chỉ sau đó ít ngày, 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) cũng mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ trong quá trình giúp nhân dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chống bão lũ, sạt lở đất. Hay sự hy sinh của thiếu tá Vi Văn Nhất khi đấu tranh chống tội phạm ma túy ở đồn biên phòng Bát Mọt, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa.
Và gần đây nhất, trong cơn bão số 3 (Yagi), thượng úy trẻ Nguyễn Đình Khiêm, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513 (Quân khu 3) đã hy sinh trong lúc cứu người dân huyện Bình Liêu (Quảng Ninh)… Dù không phải mưa bom bão đạn, không còn tiếng súng nhưng trong thời bình vẫn có những người lính ngã xuống để bảo vệ sự bình yên trên dải đất hình chữ S này.
Khoảng lặng trong tim
Dù đất nước đã sạch bóng quân thù, nhưng để bảo vệ nền độc lập này, những người lính vẫn luôn bám trụ nơi biên cương, hải đảo. Do tính chất, đặc thù hoạt động quân sự và yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, những CBCS luôn phải xa nhà, công tác trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, môi trường sống khó khăn đủ bề.
Đó là những người lính biên phòng phải sống, thực hiện nhiệm vụ nơi biên cương để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, đấu tranh chống tội phạm ma túy, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học còn tồn dư sau chiến tranh.
Đó là những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, nhà giàn DK trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu biển vẫn vững vàng thực hiện tốt công tác huấn luyện, SSCĐ. Ở nơi đó, những người lính Cụ Hồ đã kiên cường, bền bỉ vượt qua không chỉ sự khắc nghiệt của điều kiện sống, môi trường mà còn là nỗi cô đơn, nỗi nhớ người thân, gia đình da diết.
Đại úy Nguyễn Văn Hai – một người con ở thôn Đồng, xã Thanh Trù (thành phố Vĩnh Yên) nhận nhiệm vụ công tác ở Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 147, Vùng 1 Hải Quân từ năm 2015.
Ngày chia tay gia đình nhận nhiệm vụ mới, con anh chưa đầy 1 tháng tuổi. Ở nhà, vợ anh là công nhân ở khu công nghiệp, một mình tần tảo nuôi con nhỏ và chăm sóc bố mẹ chồng đã hơn 80 tuổi.
Anh Hai chia sẻ: “Là con trai trong gia đình, phải công tác ngoài đảo xa, tôi rất thương vợ phải một mình lo toan, gánh vác việc gia đình nội ngoại hai bên, nhưng tôi cũng chỉ biết động viên vợ cố gắng. Đất nước cần có những người lính và chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình với Tổ quốc mà gác lại niềm riêng”.
Trong rất nhiều hoàn cảnh, vì thực hiện nhiệm vụ, có những chiến sĩ không thể về chịu tang khi bố, mẹ qua đời. Những ngày Tết đến, Xuân về, khi mọi người, mọi nhà đều sum họp, đoàn viên thì ở đâu đó trên những đồn biên phòng hay vọng gác nơi những hòn đảo tiền tiêu, những người lính vẫn kiên cường chắc tay súng để bảo vệ bình yên nơi quê nhà.
Có những CBCS phải xa gia đình nhiều năm, ít thời gian bên gia đình dạy dỗ, bảo ban con cái. Để rồi, đâu đó trong số họ phải nuốt nước mắt vào trong bởi những đứa con ngang bướng, khó bảo; phải chấp nhận sự thật phũ phàng khi người vợ, người yêu không vượt qua được sự cách trở về địa lý đã không còn thủy chung đợi họ trở về… Đó chính là những nỗi niềm của những người lính mà không phải ai cũng hiểu.
Đại úy Nguyễn Văn Hai - Lữ đoàn 147 Vùng 1 Hải Quân: “Bộ đội không chỉ là công việc mà còn là lý tưởng, là khát vọng, là trách nhiệm cống hiến với quê hương, đất nước. Trong thời bình, thanh niên có quyền lựa chọn nhiều nghề nghiệp, nhưng khi đã là một quân nhân, chúng tôi đã xác định được tư tưởng vững vàng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ vì sự vẹn toàn của Tổ quốc, sự bình yên của nhân dân mà không bao giờ hối tiếc”.
Phương Loan