80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đoàn kết, cùng nhân dân làm nên những chiến thắng vang dội, giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với truyền thống lịch sử hào hùng đó, khi đất nước hòa bình và hội nhập, hòa trong nhiệm vụ cao cả của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ quân đội trên địa bàn tỉnh luôn đi đầu trên mọi mặt trận, phát huy cao nhất tinh thần vì nhân dân phục vụ, để mãi xứng đáng với tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ”; đập tan âm mưu của các thế lực thù địch muốn hạ thấp danh dự, uy tín, vai trò của lực lượng QĐND Việt Nam.
Kỳ 1: Giúp dân từ mệnh lệnh của trái tim
Nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong đó, cơn bão số 3 (hồi tháng 9 vừa qua) được đánh giá mạnh nhất trong hơn 30 năm qua. Trong lúc nguy nan nhất, các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quân đội đã không quản ngại khó khăn, vất vả có mặt kịp thời để cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ nhân dân. Việc làm của các anh xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim yêu thương đồng bào.
Ký ức Làng Nủ của người lính Trung đoàn 98
“Đúng 23 giờ, trời vẫn mưa tầm tã, chưa kịp ngả lưng sau nhiều ngày dầm mưa giúp dân chống lũ ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), chúng tôi nhận lệnh khẩn từ cấp trên tiếp tục tìm kiếm cứu nạn ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Không ai bảo ai, tất cả đều khẩn trương chuẩn bị quân tư trang sẵn sàng, không khí lúc ấy sục sôi như chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới...”. Đó là chia sẻ của Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó Chính ủy Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) - một người con của xã Xuân Hòa (Lập Thạch), người trực tiếp dẫn 300 chiến sĩ cứu nạn tại Làng Nủ.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Sông Lô và Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp giúp nhân dân xã Nhân Đạo gặt lúa bị ngập úng, ngã đổ sau bão. Ảnh: Dương Hà
Qúa trình di chuyển lên Lào Cai, trời vẫn mưa to không ngớt, nhiều đoạn đường sạt lở nghiêm trọng, bùn đất ngập sâu, CBCS phải xuống đẩy xe khỏi đoạn đường lầy, rồi chia làm 2 hướng cơ động bằng ô tô và đi bộ để tiếp cận hiện trường tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Trung tá Lương Vĩnh Phúc cho biết: Khi tới thôn Làng Nủ, chứng kiến làng mạc, nhà cửa hoang tàn, hàng chục người dân bị chôn vùi trong lớp bùn đất, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa. Nhiều cỗ quan tài xếp chồng lên nhau thành hàng dài, khung cảnh tang thương khiến không ít chiến sĩ trẻ bị sốc.
“Dưới đống bùn đất kia là một bản làng”- câu nói nhòa trong tiếng khóc văng vẳng bên tai khiến trái tim chúng tôi như thắt lại! Song, với tinh thần khẩn trương cứu giúp nhân dân, chúng tôi nhanh chóng ổn định tư tưởng, phân công nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn và bắt tay vào công tác tìm kiếm, cứu hộ”.
Hơn 2 tuần cứu nạn ở đây là bao nhiêu cung bậc cảm xúc của CBCS Trung đoàn 98. Đất đá, bùn non đổ về tạo nên dòng chảy sình lầy ngập tới nửa thân người. Cây cối gãy đổ, rác thải từ thượng nguồn đổ về, mùi tanh nồng xộc lên khiến không khí càng trở nên ngột ngạt. Hiểm nguy lúc nào cũng rình rập bởi những quả đồi xung quanh ngấm nước, đất đá có thể sạt lở, nước lũ có thể đổ về bất cứ lúc nào…
Bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, lòng dũng cảm và tình cảm với nhân dân, từng ngày, từng giờ những chiến sĩ vẫn mặc áo phao, cầm gậy kiên trì bám địa bàn tìm kiếm những nạn nhân xấu số. Khi những thi thể đầu tiên được tìm thấy đưa lên khỏi bùn đất, có những thi thể không còn nguyên vẹn, cảm giác xót xa khiến các chiến sĩ không cầm được nước mắt. Mỗi CBCS đều tự hứa với bản thân dù vất vả đến đâu cũng phải cố gắng hết sức để tìm kiếm các nạn nhân đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trung tá Lương Vĩnh Phúc kể: “Trong số những chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở Làng Nủ, có nhiều đồng chí gia đình cũng bị ảnh hưởng nặng nề bở bão số 3, dù rất sốt ruột, lo lắng cho người thân nhưng được sự động viên của đồng đội vẫn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Có đồng chí trong quá trình cứu hộ dẫm phải đinh sắt vẫn cố chịu đau tìm kiếm nạn nhân. Khi vết thương quá nặng, chảy nhiều máu phải đưa đi bệnh viện điều trị, đồng chí ấy đã khóc khi không được ở lại cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ…”. Những hình ảnh ấy, tinh thần ấy đã khẳng định CBCS luôn dành tình cảm lớn với nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Ở đâu có gian khó, ở đó có bộ đội
Sau bão số 3, các địa phương trong tỉnh cũng phải hứng chịu nhiều thiệt hại. Toàn tỉnh có 2 người thiệt mạng, gần 340 ngôi nhà, hàng chục cơ sở giáo dục, y tế, di tích lịch sử, công trình văn hóa, nhà xưởng bị hư hại.
Mưa bão làm trên 10 nghìn ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi. Nước lũ dâng cao, ngập úng, nhiều khu vực bị chia cắt, mất điện, thiếu nước sạch, lương thực, thực phẩm…
Trong lúc khẩn cấp, nguy nan, Bộ CHQS tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố huy động hàng trăm CBCS thường trực, hơn 2.300 chiến sĩ dân quân; 5 ô tô tải, hàng chục phương tiện vận tải thủy, hàng nghìn chiếc áo phao… tích cực phối hợp với lực lượng chức năng và các địa phương kịp thời hỗ trợ nhân dân.
Nhiều ngày liền, CBCS dầm mình trong mưa lũ, dùng xuồng, ca nô đi vào từng thôn, từng ngõ, đến từng gia đình đưa người già, trẻ em, phụ nữ đến nơi an toàn; di chuyển tài sản, đồ dùng, vật nuôi, cung cấp kịp thời nước sạch, thực phẩm cho nhân dân. Đó là những hình ảnh thân thương, đầy xúc động với mỗi người dân trong những ngày mưa lũ vừa qua.
Ông Lê Công Tâm ở xã Sơn Đông (Lập Thạch) cho biết: “Xã Sơn Đông là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mưa lũ, mực nước dâng cao khiến 11/12 thôn bị cô lập, hơn 2.200 hộ dân bị ngập sâu trong nước, có nhà bị ngập tới nóc.
Trong tình thế ấy, các anh bộ đội đã kịp thời đưa chúng tôi đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng, tài sản cho các hộ dân. Sau lũ, các đồng chí ấy còn giúp nhân dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường… Chúng tôi thực sự xúc động và biết ơn nghĩa tình của những người lính Cụ Hồ”.
Tại huyện Sông Lô, cùng với việc giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển người và tài sản, thu dọn cây xanh bị gãy đổ, đảm bảo an toàn giao thông ở những khu vực ngập lụt, trực cứu hộ đê, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng Thiết giáp huy động CBCS gặt lúa, thu hoạch hoa màu giúp giảm thiểu thiệt hại tài sản cho nhân dân.
Thượng tá Kiều Việt Phong, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện cho biết: Công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân được coi là nhiệm vụ “chiến đấu” trong thời bình. Ban CHQS huyện không chỉ tích cực tham mưu với cấp trên có phương hướng lãnh, chỉ đạo làm tốt công tác PCTT&TKCN mà còn trực tiếp xuống cơ sở, đồng hành, hỗ trợ nhân dân dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không quản ngày đêm với tinh thần “đâu cần bộ đội có, việc gì khó có bộ đội”. Những ngày bão lũ, LLVT huyện trực 100% quân số, sẵn sàng làm nhiệm vụ; mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, vì nhân dân phục vụ.
Trung tá Lương Vĩnh Phúc, Phó Chính ủy Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) chia sẻ: “Ngày chia tay, đồng chí Bí thư Huyện ủy Bảo Yên trao cho chúng tôi một lá cờ Tổ quốc in dòng chữ “Làng Nủ 10-24/9/2024”. Đó là lá cờ được treo tại Nhà văn hóa thôn trong suốt thời gian đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Lá cờ được gấp cẩn thận và đặt trong khung kính. Nhận lá cờ, chúng tôi không nén được xúc động, rưng rưng nước mắt. Bởi chúng tôi hiểu đó không chỉ là tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của nhân dân Làng Nủ mà còn là niềm tin, chỗ dựa tinh thần, là “thế trận lòng dân vững chắc” của nhân dân cả nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”
Phương Loan