Sông Nerodimka nằm ở Kosovo cùng lúc chảy vào biển Đen ở nhánh bên trái còn nhánh phải đổ vào biển Aegean.
Theo Visit Kosovo - trang web du lịch địa phương, Nerodimka ở vùng Nerodime đặc biệt vì là sông duy nhất ở châu Âu chảy cùng lúc vào hai biển khác nhau, một hiện tượng được gọi là sự phân nhánh.
Sông Nerodimka bắt nguồn từ sông Golema Reka ở dãy núi Nerodimaka, được hình thành từ hai nhánh chính Velika Reka và Mala Reka, hợp lưu gần làng Nerodime e Epërme. Sau đó, dòng sông tiếp tục chảy theo hướng tây-đông, đến ngoại ô thành phố Ferizaj thì tách ra.
Sông Nerodimka chia làm hai nhánh.
Nhánh phía bắc đổ vào sông Sitnica rồi chảy ra các sông Iber, Morava, Danube và đổ vào biển Đen. Nhánh chính phía nam hợp nhất với nhánh sông khác của sông Nerodimka, tiếp tục hành trình về phía biển Aegean qua các sông Lepenc và Vardar.
Sở dĩ sông có hiện tượng phân nhánh rồi đổ về hai biển là do một kênh đào nhân tạo, tuy nhiên phần dòng chảy ở hạ lưu là hoàn toàn tự nhiên. Thế kỷ XIV, dưới thời trị vì của vua Milutin, một kênh đào đã được xây dựng để nối ao Sazlia với sông Nerodima, tạo ra sự phân nhánh nhân tạo. Kênh đào giúp chuyển hướng nước từ Nerodimka về phía nam, vào sông Lepenec - vốn là một phần của lưu vực thoát nước ra biển Aegean. Trong khi đó, sông Sitnica, bắt nguồn từ ao Sazlia ở làng Saliz, chảy về phía bắc vào sông Iber, thuộc lưu vực thoát nước ra biển Đen.
Tu viện Patriarchate of Pec ở Kosovo.
Sự phân nhánh của con sông này đã được chính quyền Kosovo bảo vệ từ năm 1979 và nằm trong khu bảo tồn động vật hoang dã được trông coi nghiêm ngặt. Cũng theo chính quyền khu vực, con sông rất có giá trị về giáo dục, nghiên cứu và du lịch.
Theo gợi ý của Tripadvisor, ngoài sông Nerodimka, du khách có thể ghé thăm các điểm đến nổi tiếng khác tại Kosovo như pháo đài Kalaja, tu viện Gracanica, Patriarchate of Pec và Visoki Decani, dãy Rugova, nhà thờ Mẹ Teresa, công viên Germia.
Tuyết rơi tại công viên Germia vào mùa đông.
Kosovo là vùng lãnh thổ với dân cư chủ yếu là người Albania. Khu vực này từng là một tỉnh của Serbia, tuyên bố độc lập năm 2008. Tuy nhiên, Serbia không công nhận và vẫn coi Kosovo là một phần lãnh thổ của mình.
Tranh chấp về Kosovo đã kéo dài hàng thế kỷ. Serbia xem nơi này như trung tâm tôn giáo và văn hóa của họ, với nhiều tu viện Kito giáo chính thống của Serbia đều nằm ở khu vực này.
Phạm Kiều (Theo Vnexpress)