Hagia Sophia xây dựng năm 532 ở Istanbul là nhà thờ Kitô giáo lớn trên thế giới rồi chuyển thành thánh đường Hồi giáo dưới thời Ottoman, thế kỷ XV.
Hagia Sophia là thánh đường Hồi giáo lớn, điểm du lịch nổi tiếng ở Istanbul. Công trình ban đầu là nhà thờ Kitô giáo, xây dựng năm 532 hoàn thành sau 5 năm, dưới thời hoàng đế Justinianos của đế quốc Byzantine. Trước đó, tại vị trí này từng tồn tại hai nhà thờ nhưng đã bị sụp đổ sau những cuộc bạo loạn.
Khi mới xây dựng, Hagia Sophia được tôn vinh là vương cung thánh đường, là nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương trong gần 1.000 năm. Năm 1453, kinh đô Constantinople (tức Istanbul) của Byzantine của bị đế quốc Ottoman chiếm. Ấn tượng trước vẻ đẹp của Hagia Sophia, vị vua cầm quyền đã quyết định chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo.
Dưới thời đế quốc Ottoman, thánh đường đã được xây thêm các chi tiết theo phong cách kiến trúc Hồi giáo. Nổi bật là 4 ngọn tháp cao ở bốn góc, được xây dựng trong khoảng thế kỷ XV và XVI, tạo nên kiến trúc như ngày nay.
Công trình có diện tích hơn 5.500 m2 với mặt bằng hình vuông, phần mái vòm cao khoảng 50 m với nhiều cửa sổ lấy sáng.
Bên trong thánh đường rộng lớn với hệ thống mái vòm cao đan xen, được chống đỡ bởi nhưng cột đá kiên cố. Sàn được lót bằng những phiến đá cẩm thạch lớn. Các nguyên vật liệu xây dựng nhà thờ lấy từ miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực bắc châu Phi.
Đặc trưng của kiến trúc Byzantine được thể hiện ở những cột đá cẩm thạch chống đỡ cho mái vòm rộng, hoạ tiết tinh xảo, nối tiếp với dãy cửa sổ nhỏ.
Phần trần trước khi được cải tạo thành nhà thờ Hồi giáo là những bức tranh lớn, khắc họa các hình ảnh về Kitô giáo. Sau khi bị đế quốc Ottoman chiếm, những bức tranh về Chúa và các vị thánh ở trần và tường bị xóa bỏ hoặc che lại (ảnh sau). Ngày nay vết tích của quá trình cải tạo vẫn còn ở trên trần và các bức tường.
Theo quan niệm, Hồi giáo chỉ công nhận Thánh Allah là đấng thánh duy nhất. Nhưng Allah không có hình dạng cụ thể, là đấng vô hình có mặt ở khắp mọi nơi. Bởi vậy nên nội thất nhà thờ hoàn toàn trống trải, không có tranh ảnh, tượng, bàn thờ, như những tôn giáo khác.
Những bức tường dọc theo hành lang đã được phục chế một vài tranh khảm về Kitô giáo, để giúp du khách hiểu hơn về lịch sử và kiến trúc ban đầu của thánh đường.
Một góc hành lang trang trí bức tranh khảm mô tả Đức mẹ Maria và Chúa hài đồng ở chính giữa. Hai bên là hoàng đế Justinian Đại đế (trái) và Constantine I.
Chính điện là khu vực cầu nguyện, cử hành các nghi lễ. Đây là nơi linh thiêng và trang trọng nhất trong thánh đường. Phần nền được lót thảm xanh, phía trên là những cây đèn chùm cổ kính. Hai bên là hàng cột bằng đá cẩm thạch, điêu khắc hoa văn tinh xảo, xung quanh treo các hình ảnh, chữ thư pháp của Hồi giáo. Hiện, du khách không theo đạo Hồi chỉ được tham quan chính điện từ tầng trên.
Ở chính giữa chính điện được đặt Mihrab, vị trí này từng là gian cung thánh thời còn là nhà thờ Kitô giáo. Mihrab là hốc lõm trên bức tường chính điện, thường được gọi là bức tường cầu nguyện (Qibla), được xây dựng nằm về phía tây là hướng Thánh địa Mecca. Theo thời gian, Mihrab đã chuyển từ những hốc đơn giản thành những kiệt tác trong nghệ thuật Hồi giáo.
Năm 1953, Hagia Sophia được chính phủ chuyển đổi trở thành viện bảo tàng. Đến năm 2020, nơi này lại trở về chức năng là một nhà thờ Hồi giáo. Hagia Sophia được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1985.
Hagia Sophia mở cửa từ 9 đến 19h30 mỗi ngày, trừ thời gian cầu nguyện trưa thứ sáu hàng tuần. Giá vé khoảng 30 euro, tương đương 800.000 đồng.
Vì Hagia Sophia là công trình tôn giáo nên khách tham quan phải tuân theo quy định về trang phục. Nam nữ giới đều phải mặc trang phục phù hợp để che vai, ngực và đầu gối. Phụ nữ cũng cần che tóc bằng khăn quàng cổ.
(Theo Vnexpress)