Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là Bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, từ đó, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương, nhằm triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như tính bền vững của doanh nghiệp.
Thi công dự án thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn phường Liên Bảo (Vĩnh Yên).
Vĩnh Phúc lọt top 10 chỉ số Xanh cao nhất nước
Năm 2022 là năm đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác, xây dựng và công bố bảng xếp hạng chỉ số PGI như là một hợp phần về môi trường được tích hợp trong điều tra PCI.
PGI được đánh giá dựa trên 4 chỉ số thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Ngay trong lần đầu tiên công bố, Vĩnh Phúc đã nằm trong top 10 địa phương có chỉ số PGI cao nhất cả nước với tổng điểm 16,35, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành. Kết quả này không phải ngẫu nhiên có được mà nó là minh chứng cho những nỗ lực bảo vệ môi trường của tỉnh trong nhiều năm, ngay cả khi không có đánh giá PGI.
Trong đó, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Xây dựng, ban hành đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn; kế hoạch bảo vệ môi trường hằng năm của tỉnh và các huyện, thành phố; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội và đông đảo nhân dân trong các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường.
Đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt như hệ thống thoát nước thải sinh hoạt thành phố Vĩnh Yên; hệ thống các điểm thu gom nước thải tại các thị trấn và các địa phương dọc sông Phan; mạng lưới thu gom, xử lý nước thải thành phố Phúc Yên…
Tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về biến đổi khí hậu; các giải pháp bảo vệ môi trường trong sinh hoạt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích mua sắm xanh, sử dụng các dịch vụ thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng…
Mục tiêu duy trì thứ hạng
Đại diện Sở TN&MT cho biết: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu duy trì chỉ số PGI nằm trong top 10 địa phương cao nhất cả nước, phấn đấu tổng điểm và điểm các chỉ số thành phần đều tăng hằng năm.
Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu gia tăng, tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất; ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.
Một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; tình trạng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi phát thải vẫn còn diễn ra khá phổ biến…
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho người dân, doanh nghiệp.
Thường xuyên tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực môi trường cho doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, kiên quyết từ chối những dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; xử lý nghiêm các trường hợp đưa dây chuyền, công nghệ lậu hậu, gây ô nhiễm môi trường vào địa bàn.
Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, nước thải; giám sát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, đảm bảo đến năm 2025, 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động hoặc xây dựng mới có đầy đủ hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định…
Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh