Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta và được thế giới vinh danh là nhà văn hóa kiệt xuất. Tư tưởng, quan điểm lý luận của Người về lĩnh vực văn hóa với hệ giá trị nhân văn, toàn diện và sâu sắc đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vận dụng hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; đẩy mạnh xây dựng và phát triển con người trong thời kỳ mới; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Các hiện vật, công cụ, dụng cụ sản xuất được trưng bày tại lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Cao Lan, xã Quang Yên (Sông Lô) góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa. Ảnh: Kim Ly
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Hồ từng khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Người cho rằng, văn hóa là vũ khí đấu tranh tư tưởng, là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách; văn hóa phải phục vụ kháng chiến, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Công cuộc bảo tồn, phát triển nền văn hóa phải tạo sức mạnh nội sinh cho đất nước vươn lên, góp phần xây dựng phẩm chất, đạo đức con người Việt Nam.
Thấm nhuần quan điểm của Bác Hồ, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh luôn coi công cuộc phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là động lực của sự phát triển bền vững.
Công cuộc xây dựng nền văn hóa luôn đồng hành với quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng giá trị văn hóa; đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Lễ hội trâu rơm, bò rạ tại xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) được tổ chức thường niên góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ảnh: Kim Ly
Nhằm huy động mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển, gìn giữ các giá trị văn hóa, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển văn hóa với các nhóm mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Có tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vai trò tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, những năm qua, Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác bảo tồn, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch.
Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, tôn tạo. Toàn tỉnh hiện có 533 di tích đã xếp hạng, trong đó có 69 di tích/cụm di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia, 464 di tích cấp tỉnh; 571 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 3 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Để bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mở các lớp truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian như hát Văn, hát Chầu văn, hát Soọng cô, dạy hát Trống quân Đức Bác cho thế hệ trẻ và những người yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Toàn tỉnh có 40 cá nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Công tác quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của các điểm du lịch nổi tiếng như Tây Thiên, Tam Đảo, các di tích lịch sử độc đáo được thực hiện hiệu quả với hình thức phong phú, đa dạng. Vĩnh Phúc ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh chú trọng phát triển mạng lưới lữ hành với các tour, tuyến hấp dẫn; chất lượng sản phẩm du lịch được nâng cao. Hệ thống dữ liệu di sản văn hóa, dữ liệu du lịch trên địa bàn tỉnh được số hóa.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phát triển mạnh. Việc xây dựng và bình xét các danh hiệu văn hóa được quan tâm, đi vào thực chất. Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa và tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đều đạt gần 95%.
Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các thiết chế văn hóa; bảo tồn, tôn tạo, phục dựng bổ sung các sưu tập hiện vật gốc điển hình; đầu tư phục hồi hệ thống di tích gắn với phát triển du lịch.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng ta mãi là ngọn đuốc soi đường cho công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, hội nhập quốc tế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc.
Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm tạo động lực phát triển nền văn hóa theo hướng hiện đại; xây dựng con người văn hóa, nếp sống văn hóa và môi trường văn hóa trong gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc của dân tộc.
Quỳnh Hương