Những ngày tháng đầu mới giành được chính quyền, Bác Hồ rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Do đó, ngày 17/10/1945, Bác viết “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”.
Mở đầu thư Người viết “Nhờ dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo mà chúng ta bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập, tự do”. Bác nêu mối quan hệ biện chứng giữa chính quyền (mà Trung ương là Chính phủ) với nhân dân. Bác viết: “Nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì Nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với Nhân dân phải đoàn kết thành một khối”.
Bác còn viết rất chân thành “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân…”. Và vì thế “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Bác biểu dương, khen ngợi đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan công quyền tuy còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, chưa được đào tạo đầy đủ nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu, mến phục. Tuy nhiên, Bác cũng rất buồn phiền mà chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm mà một số cán bộ mắc phải, Bác quy thành 6 lầm lỗi chủ yếu, đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
Bác dùng những ngôn từ thẳng thẳn chỉ rõ những “lầm lỗi” của một số cán bộ mắc phải như “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?” và “thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức…”.
Chính quyền còn non trẻ, chưa được củng cố vững chắc, trong khi thù trong, giặc ngoài đang tìm mọi cách để chống phá, nhưng trong các cơ quan đã xuất hiện tình trạng “kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài…”.
Bác còn lên án hành vi “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác…”, hoặc “cậy thế mình ở ban này, ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân…”.
Là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan công quyền. 17 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 19/9/1945, với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên Báo Cứu Quốc số 46.
Người nêu quan điểm: “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ Nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết thảy”.
Người yêu cầu “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào các Ủy ban đó…”.
Đó là quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt nền móng cho việc xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân mà ngày nay chúng ta vẫn đang nỗ lực phấn đấu thực hiện.
Những khuyết điểm mà cán bộ chính quyền các cấp mắc phải, Bác coi đó là những “lầm lỗi” khá nghiêm trọng, nó “sẽ làm cho mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín (uy tín) của Chính phủ”.
Là người suốt đời vì nước, vì dân, Bác rất coi trọng nhân dân và giữ chữ “Tín” để dân tin yêu, mến phục. Bởi vậy, Bác giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức phải giữ chữ “Tín” với Nhân dân. Bác còn viết “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta…”.
Trong thư Bác viết rất chân thành: “Chúng ta không sợ sai lầm. Nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nếu, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ…” Với những người đã mắc những lầm lỗi mà Bác kể trên, Người yêu cầu rất nghiêm khắc: “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; Nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung…”.
Đến nay, dù đã 80 năm - một chặng đường khá dài, những lời dạy sâu sắc của Bác vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là những yêu cầu đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào trong các cơ quan Đảng hay chính quyền từ tỉnh, huyện và làng đến Trung ương phải “tự soi, tự sửa”, để trở thành người cán bộ “liêm chính”, thực sự là “công bộc” của dân như Bác đã căn dặn.
Việt Trì