Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được Bác Hồ dành nhiều tình cảm và sự quan tâm, Người đã 8 lần về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, trong lần thứ 7, ngày 2/3/1963, Bác căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Hơn 60 năm qua, Vĩnh Phúc luôn đồng lòng, phát huy lợi thế, sáng tạo, đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Khắc ghi lời Bác dạy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, tỉnh Vĩnh Phúc đều có những đóng góp quan trọng về sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Công ty TNHH công nghệ thông minh ASSA ABLOY Việt Nam (KCN Bá Thiện - Bình Xuyên) chuyên sản xuất các sản phẩm khóa cửa thông minh xuất khẩu vào thị trường các nước Mỹ, Anh, Pháp, Colombia...
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến; là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.
Cùng với quân và dân toàn miền Bắc, quân và dân tỉnh Vĩnh Phúc luôn siết chặt đội ngũ trong tư thế “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”, quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, không ngừng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Sau hơn 28 năm tái lập tỉnh, vùng đất quê hương của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - “cha đẻ” chủ trương “khoán hộ” với quan điểm “phải để nông dân làm chủ ruộng đất của mình” đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tích ngoạn mục trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bình quân giai đoạn 1997 - 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 13,42%/năm; năm 2024 đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách hằng năm của tỉnh tăng nhanh và năm 2022 đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, năm 2024 đạt hơn 30,468 nghìn tỷ đồng. Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh, sự thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã xây dựng, triển khai hiệu quả đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Môi trường đầu tư, kinh doanh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có sự bứt phá ngoạn mục, từ vị trí xếp hạng 43/63 tỉnh, thành năm 2012, Vĩnh Phúc đã vươn lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành trong năm 2015 và vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành trong năm 2021.
Trong thu hút đầu tư, với việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Vĩnh Phúc luôn là một trong những điểm sáng của cả nước về thu hút dòng vốn FDI và DDI. Năm 1998, toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI, 1 dự án DDI. Đến hết tháng 4/2025, toàn tỉnh có gần 500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 8,5 tỷ USD; hơn 680 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 145 nghìn tỷ đồng.
Từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp hiện đại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông, phát triển đô thị và nông thôn.

Công ty cổ phần điện tử Thiên Quang (KCN Bình Xuyên) trở thành nhà cung cấp tin cậy các sản phẩm camera an ninh, camera hành trình cho thị trường thế giới.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện.
Nhiều dự án lớn, trọng điểm được đầu tư xây dựng không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như Văn Miếu tỉnh, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Trường THPT Trần Phú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cầu Đầm Vạc, cầu Vĩnh Phú, Nhà hát tỉnh, Quảng trường Hồ Chí Minh, cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành...
Đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh rất quan tâm đầu tư, phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được quy hoạch, đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013; đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014 và là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước.
Riêng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây mới và đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh quy mô 500 giường bệnh vào hoạt động. Đầu tư nâng cấp các Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế xã, bảo đảm 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Công tác an sinh xã hội được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 0,43%, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,8%; tỷ lệ lực lượng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45,52%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 39,5%.
Hơn 60 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, Vĩnh Phúc hôm nay đã "khoác lên mình" một diện mạo mới, tâm thế mới với khát vọng xây dựng Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; xã hội phát triển hài hòa và môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Bài, ảnh: Mai Liên