Là xã miền núi khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, để phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hải Lựu (Sông Lô) đã khai thác tốt tiềm năng địa lý, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và thương mại, dịch vụ (TM - DV), gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Dọc đê tả sông Lô từ trung tâm huyện mất khoảng 10 km di chuyển là tới địa phận xã Hải Lựu - một bên là dòng sông Lô, một bên là dãy núi Thét chạy dài xanh mướt; dọc hai bên đường đến trung tâm UBND xã, những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những ngôi nhà cao tầng san sát mọc lên với các cửa hàng kinh doanh đa dang như xe máy, ti vi, tủ lạnh, đồ gia dụng, đồ điện, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, quần áo, đồ gỗ, mua bán vàng bạc…
Chúng tôi tới thăm xưởng sản xuất đá mỹ nghệ của anh Hán Văn Hoàn tại xóm Len, chứng kiến hàng trăm sản phẩm đã hoàn thiện được xếp từ trong nhà ra ngoài cổng với 5 thợ đá đang cặm cụi làm việc.
Từ sản xuất đá mỹ nghệ, mỗi năm, gia đình anh Hán Văn Hoàn có doanh thu hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động với thu nhập từ 9 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Ngồi ngắm nghía các sản phẩm đá mỹ nghệ chuẩn bị xuất xưởng, anh Hán Văn Hoàn, 45 tuổi cho biết: Tiếp nối nghề truyền thống gia đình từ bố đẻ - nghệ nhân Hán Văn Toại, vài năm gần đây, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ việc chế tác đá.
Với sự khéo léo, anh Hán Văn Hoàn từng được Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam đặt phục chế 2 đầu sư tử thời Lý theo mẫu lấy từ chùa Bà Tấm ở tỉnh Hưng Yên. Anh Hoàn được Nhà nước cấp Bằng chứng nhận thợ giỏi từ năm 2006.
Theo anh Hoàn: Thu nhập từ nghề chế tác đá hiện nay thấp hơn so với trước đây, do vài năm nay hàng khó bán. Mặc dù là nghề nặng nhọc, rất dễ bị đau mắt, đặc biệt là bệnh đường hô hấp do hít phải bụi đá, thậm chí còn bị tai nạn khi chế tác thô... nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì và phát triển nghề cha ông để lại.
Hải Lựu trước đây thuộc xã miền núi khó khăn (xã 134) của huyện Lập Thạch cũ, trước khi sáp nhập với xã Bạch Lưu (27/12/2024), toàn xã có gần 7.800 khẩu, trong đó có 3% đồng bào dân tộc thiểu số; với hơn 1.032 ha đất tự nhiên, trong đó có hơn 730 ha đất sản xuất nông nghiệp; 288,9ha đồi rừng; gần 30 ha nuôi trồng thủy sản. Đây là địa bàn xa trung tâm huyện, trình độ dân trí còn thấp, thiếu thông tin cập nhật. Vì vậy, hằng năm cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm cập nhật thông tin cho nhân dân những cách làm mới, hiệu quả, qua đó thay dần những thói quen sản xuất lạc hậu trong nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện đều được chuyển tải sớm đến người dân. Tích cực chuyển đổi tập quán sản xuất lạc hậu sang hướng sản xuất tập trung hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển tiểu TTCN và TM - DV.
Phát huy lợi thế có nghề truyền thống làm đá mỹ nghệ, có nguồn tài nguyên đá trên núi Thét dồi dào; có đường giao thông chạy qua xã nối với tỉnh Tuyên Quang, chính quyền xã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển nghề truyền thống và TM - DV, nhất là các hộ ven đường trục chính và khu trung tâm xã.
Bên cạnh đó, xã quan tâm mở rộng các trục đường chính đến các thôn, xóm, trải nhựa áp phan, đổ bê tông bằng phẳng để xe ô tô vận tải nhỏ ra vào vận chuyển hàng hóa thuận tiện.
Năm 2024, toàn xã có hơn 580 hộ đăng ký hoạt động kinh doanh cá thể, 170 hộ kinh doanh tại chợ Nội; hàng trăm hộ hoạt động dịch vụ vận tải đường thủy và đường bộ; đặc biệt trên địa bàn xã có 17 doanh nghiệp, trong đó 4 Công ty TNHH thu hút gần 500 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 250 - 400 nghìn đồng/người/ngày.
Năm 2024, tổng giá trị thu nhập toàn xã đạt gần 550 tỷ đồng, trong đó giá trị TTCN và TM - DV chiếm gần 67,2% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã; TM-DV đạt hơn 110 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 19,2% tỷ trọng cơ cấu kinh tế; nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5% tỷ trọng cơ cấu kinh tế.
Thu nhập bình quân đạt hơn 70,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,68% theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2015 - 2020; hộ cận nghèo còn 1,94%.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lựu Đào Tiến Trung cho biết: Cùng với phát triển sản xuất nâng cao đời sống người dân, xã Hải Lựu quan tâm duy trì mở rộng chợ Nội; sửa chữa, mở rộng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, nhiều công trình hạ tầng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Cụ thể, xã đang triển khai thực hiện dự án cải tạo đường huyện đoạn ĐT.307 xã Lãng Công đi Hải Lựu (Km1+00-km2=+00); nâng cấp Trạm cấp nước sinh hoạt tập trung; triển khai đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2025…
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế đa ngành, kinh tế hộ, tập trung phát triển CN - TTCN và TM - DV gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị.
Nhân rộng các mô hình sản xuất TTCN hiệu quả tại địa phương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đủ năng lực thành lập Công ty TNHH và các HTX, nhất là chế biến sản phẩm đá mỹ nghệ, may mặc, bóc gỗ, đồ mộc, chế biến sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ.
Bài, ảnh: Xuân Hùng