Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), ngành Y tế huyện Sông Lô đã xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân; khống chế không để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra cộng đồng; nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm khi có thiên tai xảy ra.
Đầu tháng 9 vừa qua, bão số 3 đã gây ngập lụt, thiệt hại lớn cho một số tỉnh miền Bắc. Trên địa bàn tỉnh, huyện Sông Lô và một số địa phương khác bị ngập lụt trong nhiều ngày. Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 3; thành lập 4 tổ cấp cứu lưu động, 2 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh; 1 tổ kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sông Lô thống kê, phân loại thuốc, sẵn sàng cho các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra. Ảnh: Dương Chung
Sau khi bão số 3 đi qua, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các khoa, phòng, Trạm Y tế các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời, không để phát sinh dịch bệnh; cấp phát các loại thuốc cần thiết cho người dân.
Với sự chủ động, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô đã đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, không để dịch bệnh bùng phát.
Sông Lô là địa phương có địa hình phức tạp, có sông Lô chảy qua địa bàn 10 xã, thị trấn của huyện. Do vậy, hằng năm, các xã, thị trấn luôn có nguy cơ đối mặt với các loại hình thiên tai phổ biến như ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…
Để thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện chủ động xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, nâng cao năng lực, trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra của Ban Chỉ huy, chủ động xử lý, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống; hướng dẫn các khoa, phòng, Trạm Y tế các xã, thị trấn xây dựng phương án chi tiết phòng, chống lụt bão, TKCN trên cơ sở tuân thủ 4 nguyên tắc “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”.
Trung tâm thường xuyên rà soát, chuẩn bị nhân lực, thuốc, phương tiện... đảm bảo đủ để phục vụ công tác cấp cứu, chủ động phòng dịch bệnh trong mùa mưa bão, thảm họa, thiên tai; tập huấn cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn, cán bộ y tế thôn về một số kỹ thuật sơ, cấp cứu cơ bản thường gặp trong thiên tai, lụt bão; xử lý bệnh thường gặp trong thiên tai, bão lũ như các bệnh về da, đường hô hấp, đường tiêu hóa; hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, vệ sinh môi trường trong mùa mưa, bão lũ.
Trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân, trung tâm thành lập 2 đội xung kích ứng cứu tại chỗ với 10 thành viên và 2 đội cấp cứu điều trị cơ động; mỗi Trạm Y tế xã, thị trấn thành lập 1 tổ cấp cứu cơ động do Trạm trưởng làm tổ trưởng.
Trong bão lũ hoặc có thảm họa xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các đội cơ động cấp cứu điều trị thường trực 24/24h tại đơn vị khi có báo động lũ cấp 3 và tin bão khẩn cấp sẵn sàng cơ động nhận nhiệm vụ.
Cử cán bộ thường trực theo dõi sát diễn biến của bão lũ, thiên tai, thảm họa để báo cáo Ban lãnh đạo và có biện pháp xử lý kịp thời. Các đội xung kích ứng cứu tại chỗ và đội cấp cứu điều trị cơ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, dụng cụ y tế, phương tiện, bám sát cơ sở làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho người dân.
Các khoa, phòng của Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ số giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, hóa chất sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu và chi viện cho các đơn vị khi cần thiết.
Sau khi bão lũ, thiên tai kết thúc, công tác giám sát, ngăn chặn kịp thời và tổ chức điều trị, xử lý các dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da... được chú trọng. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tổng vệ sinh làm sạch môi trường, xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt, xử lý gia súc, gia cầm chết, cọ rửa công trình vệ sinh…
Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô tiếp tục lấy phương châm 4 tại chỗ làm kim chỉ nam trong công tác PCTT&TKCN nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản và tính mạng của người dân.
Diệu Linh