Mặc dù có lợi thế về mặt kinh nghiệm so với lao động trẻ, song những người lao động ở độ tuổi trung niên lại vướng vào định kiến về tuổi tác, năng suất làm việc, thiếu sự nhanh nhạy, khả năng thích ứng với công nghệ nên khó tìm được việc làm sau khi thất nghiệp. Bởi vậy, mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhưng cơ hội việc làm với phân khúc lao động trung niên không “thuận buồm, xuôi gió” như lao động trẻ.
Bà Hoàng Thị Luyến ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) làm phục vụ quán ăn để có thêm thu nhập.
Nhận món bưu phẩm mua trên sàn thương mại điện tử từ tay một nữ giao hàng (shipper) trung tuổi, tôi có phần hơi ngạc nhiên bởi lâu nay những người làm nghề này phần nhiều là lao động trẻ và chủ yếu là nam giới.
Qua trò chuyện, tôi được biết chị tên là Nguyễn Thị Thanh, 42 tuổi, quê ở Hà Nam, lấy chồng về Vĩnh Phúc. Trước đây, chị học Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), chuyên ngành Kế toán và đã từng làm việc lâu năm với mức lương khá ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở khu công nghiệp Bình Xuyên.
Nhưng từ năm 2021, chị sinh con nên xin nghỉ để chăm sóc con nhỏ, cũng đúng lúc công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cắt giảm nhân sự, chị cũng nghỉ việc từ đó.
Mặc dù có bằng cấp, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng khi cầm hồ sơ xin việc ở một số nơi, chị lại chỉ nhận được cái lắc đầu bởi lý do quá tuổi tuyển dụng.
Chị Thanh cho biết: Tôi mong muốn được làm đúng ngành đào tạo, nhưng xin nhiều nơi không được nên khi tìm được việc gì thì làm việc đó để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Đối với công việc hiện tại cũng tương đối vất vả, thu nhập không ổn định bởi phụ thuộc vào số lượng đơn hàng mỗi ngày. Với một phụ nữ trung tuổi, sức khỏe, sự dẻo dai, khả năng chịu áp lực công việc cũng kém hơn so với những người trẻ tuổi nên dù cố gắng tôi cũng không có được thu nhập như mong muốn.
Từng 15 năm làm Trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp về ô tô, nhưng cảm thấy cơ hội thăng tiến không nhiều, anh L.V.D (43 tuổi) ở phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã quyết định nghỉ việc với hy vọng chuyển sang công ty mới sẽ tốt hơn.
Nhưng sau hơn 1 năm gửi hồ sơ ở nhiều công ty, anh vẫn chưa được tiếp nhận bởi lý do tuổi tác. Anh D nhận ra quyết định nghỉ việc trước đây có phần vội vàng. Anh D chia sẻ: Hầu hết các công ty tuyển lao động đều từ 18 – 35 tuổi. Tôi mong muốn được làm ở những vị trí cao hơn hoặc tương đương với vị trí ở công ty cũ nhưng cũng rất khó bởi lý do không đảm bảo độ tuổi.
Có kinh nghiệm, sự kiên trì nhưng dường như vấn đề tuổi tác trở thành rào cản khiến nhiều lao động trung niên khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Trước thực tế trên, nhiều lao động đã tự chuyển đổi công việc để đảm bảo cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Luyến ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương) cho biết: Trong khi nhiều công việc yêu cầu sự nhanh nhẹn, tinh mắt, tỉ mỉ như làm công nhân điện tử, may mặc… thì lao động lớn tuổi như chúng tôi không còn phù hợp nên tôi đã chủ động xin nghỉ để tìm việc tự do.
Hiện nay, tôi làm công việc dọn dẹp ở một quán ăn. Thời gian từ 5h – 14h hàng ngày, công việc tuy phải dậy sớm, nhưng cũng không quá nặng nhọc, quan trọng là có thu nhập, không phụ thuộc con cái và là gánh nặng cho xã hội.
Hiện, kinh tế đang dần hồi phục, thị trường lao động đã có những khởi sắc, song đối với nhóm lao động lớn tuổi (từ 40 trở lên), cơ hội việc làm vẫn có những rào cản nhất định.
Khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm của tỉnh, các công ty tuyển dụng, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy hầu hết doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ. Ở một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ, ngay cả với lao động phổ thông cũng cần những yêu cầu riêng về sức khỏe và ưu tiên độ tuổi dưới 35.
Theo ông Nguyễn Thanh Trương, Giám đốc Công ty Mansa Việt Nam – doanh nghiệp chuyên tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp: Đối với lao động phổ thông, hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phần lớn tập trung vào lao động trẻ. Một số doanh nghiệp quá thiếu lao động sẽ nâng độ tuổi tuyển dụng lên 40, tuy nhiên không nhiều.
Đối với nhóm lao động từ trên 40 tuổi, doanh nghiệp chủ yếu tuyển nhân sự ở các vị trí quản lý từ trưởng phòng, giám đốc, trợ lý… yêu cầu có trình độ chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và có nhiều năm kinh nghiệm.
Thực tế trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp rất lớn, nhưng hầu hết doanh nghiệp cần tuyển lao động từ 18 – 35 tuổi, đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, trình độ, kỹ năng, tay nghề.
Theo nhận định của một số nhà tuyển dụng, lao động lớn tuổi cũng có những lợi thế riêng về kinh nghiệm, ít vướng bận con cái, gia đình nên dành thời gian chuyên tâm hơn với công việc. Nhiều lao động lớn tuổi không kén chọn công việc, không ngại những việc vất vả như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, vệ sinh cơ quan, công sở…
Bởi vậy, để giải quyết được áp lực tuổi tác với nhóm đối tượng này, bản thân người lao động tuổi trung niên cần chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu công việc.
Những đơn vị tuyển dụng cũng cần quan tâm, tạo điều kiện đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho nhóm lao động này để họ nhanh chóng thích ứng với công việc trong bối cảnh mới.
Hiện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cấp chính quyền, địa phương tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người lao động học nghề, tiếp cận vốn vay ưu đãi giúp người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tư vấn giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nhất là lao động trung niên, lớn tuổi. Qua đó góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Bài, ảnh: Phương Loan