Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách, chương trình giảm nghèo của Nhà nước đến với người dân. Vì vậy, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn, giúp họ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và thách thức trong công tác giảm nghèo. Qua đó, đảm bảo các chương trình hỗ trợ được triển khai đúng và bền vững, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, từng bước thoát nghèo.
Cán bộ xã Tân Lập (Sông Lô) thăm hỏi, động viên hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Trà Hương
Xác định rõ vai trò quan trọng của đội ngũ làm công tác giảm nghèo, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho gần 800 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã và hơn 40 thôn thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nội dung tập huấn trang bị cho cán bộ kiến thức về các chính sách giảm nghèo mới nhất, kỹ năng quản lý, lập kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo; hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách giảm nghèo; đồng thời trao đổi cách tư vấn, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân về các chính sách giảm nghèo. Thông qua đối thoại, cán bộ không chỉ nắm vững địa bàn mà còn hiểu rõ hơn về nguyện vọng, khó khăn của người dân, từ đó triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả hơn.
Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Vũ Anh Nam cho biết: “Qua tập huấn và đối thoại, đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo đã nắm bắt tốt hơn về chính sách, quy trình hỗ trợ, từ đó triển khai công việc một cách kịp thời, chính xác và hiệu quả. Nhờ vậy, nhiều hộ dân đã tiếp cận được hỗ trợ nhanh chóng, giúp họ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững”.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.094 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,61% tổng số hộ dân toàn tỉnh; còn 4.778 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,38% tổng số hộ dân. Đến nay, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,51%, dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%, giảm 0,17% so với cuối năm 2023.
Sông Lô là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác trong tỉnh, bởi vậy, công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm.
Cùng với các giải pháp giảm nghèo được triển khai, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo được địa phương đặc biệt chú trọng.
Hằng năm, huyện Sông Lô tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; phân công cán bộ phụ trách từng xã, thị trấn để chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng.
Cùng với đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo các thôn, tổ dân phố phân công các chi hội, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo và giúp các hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản; tích cực hướng dẫn các hộ nghèo lập phương án và tổ chức sản xuất, kinh doanh theo khả năng, trình độ, quy mô sản xuất từng vùng, từng hộ.
Công chức văn hóa, bảo trợ xã hội xã Tân Lập (Sông Lô) Trần Xuân Hải cho biết: “Qua các lớp tập huấn do huyện tổ chức, chúng tôi có thêm những kiến thức, thông tin về định hướng và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo để giải đáp thắc mắc của người dân.
Dựa trên thực tiễn địa phương, chúng tôi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, trợ giúp người dân từng bước thoát nghèo như tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế phù hợp... Đối với những hộ không có khả năng thoát nghèo, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương vận động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn”.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo của huyện Sông Lô đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,84%; hộ cận nghèo còn 2,11%. Phần lớn hộ nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm, nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nâng cao năng lực không chỉ giúp đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà còn góp phần trực tiếp vào quá trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Với những giải pháp thiết thực, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được đặt lên hàng đầu, từ đó tạo nền tảng vững chắc đưa các chương trình hỗ trợ giảm nghèo mang lại lợi ích lâu dài đến với người dân.
Cán bộ giỏi, có năng lực sẽ là "chìa khóa" giúp tỉnh nói riêng và cả nước nói chung vượt qua thách thức trong công tác giảm nghèo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bích Huệ