Theo các chuyên gia nhãn khoa, tật khúc xạ bao gồm: Cận thị, Viễn thị, Loạn thị, trong đó cận thị chiếm tới trên 90% tương ứng với khoảng ¼ (25%) tổng dân số trên thế giới. Tuy viễn và loạn thị không phổ biến như cận thị nhưng số này thường hay bị "bỏ quên".
Không chỉ cận thị mà lệch khúc xạ cũng là những mối lo ngại ở học sinh
Đặc biệt là viễn hoặc loạn thị không cân bằng ở 2 mắt. Vì thị lực không giảm quá nhiều, trẻ vẫn còn nhìn thấy ở một mắt và cứ nghĩ như vậy là bình thường. Ngay cả khi che đi mắt tốt, trẻ vẫn cho rằng "chỉ là mắt kia hơi mờ hơn một chút"!
Đó là câu chuyện không của riêng N.L.D.L., học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) trong buổi khám sàng lọc về tật khúc xạ tại trường vừa qua. Ngay sau đó, khi L. mang phiếu kết quả khám về, nhìn khuyến cáo của bác sĩ, bố bé đã ngay lập tức đưa đến Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao Hà Nội – HITEC (cơ sở 51-53-55 Trần Nhân Tông) để khám. Kết quả cho thấy, trẻ bị loạn thị 2 mắt: mắt phải 0,50D nhưng mắt trái tới 2,50D. Bố bé L. cho không hay biết chuyện này vì thấy con vẫn nhìn được bình thường.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương được bác sĩ Bệnh viện Mắt HITEC khám sàng lọc tật khúc xạ ngay tại trường.
Tuy nhiên qua thăm khám, bác sĩ cho biết, trẻ chỉ nhìn được bằng mắt phải (thị lực 9/10) còn mắt trái chỉ được 5/10 và trẻ thường xuyên bị nhìn nhầm chữ/số. Ngay cả khi đọc bảng thị lực, trẻ nói nhìn rõ nhưng phân biệt được các khe của vòng tròn hở. Điều này rất nguy hiểm vì trẻ có thể nhìn nhầm đầu bài khi làm bài kiểm tra; trẻ nhỏ có thể đọc nhầm hàng và rất khó khăn khi đọc cả một đoạn văn dài…
Một trường hợp khác cũng là học sinh lớp 6 trường THCS Nguyễn Tri Phương là bé K. mắt phải còn nhìn được 7/10 nhưng mắt trái chỉ được 2/10. Trẻ cũng luôn nói, mắt con vẫn nhìn thấy "bình thường", không thừa nhận mắt mình kém! Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện chuyên khoa Mắt HITEC (55 Hàm Long), K., được chẩn đoán: mắt phải viễn 1,50D và loạn 1,25D; mắt trái cận 1,50D và loạn 1,00D.
Qua thăm khám cho trẻ, các bác sĩ của HITEC cho hay, vì mắt phải viễn thị nên trẻ vẫn nhìn xa được một chút nhưng lại kèm theo loạn nên nhìn cũng bị nhòe và nhầm nhiều. Trong những trường hợp như thế, thầy cô, cha mẹ là người có thể giúp trẻ phát hiện ra sớm vấn đề của trẻ.
Lệch khúc xạ nhiều hơn được gọi là bất đồng khúc xạ: Mắt cận thị chênh nhau từ 3,00D – 4,00D, hai mắt vẫn có thể luân phiên nhau để nhìn. Tuy nhiên mắt viễn thị chỉ cần chênh nhau đến 1,00D sẽ dẫn đến hiện tượng: mắt lười (nhược thị) ở mắt có độ viễn cao hơn. Khi đó, trẻ chỉ thường xuyên dùng 1 mắt tốt (mắt viễn thị thấp hơn) nhưng cứ nghĩ mình đang nhìn bằng 2 mắt.
Nếu không được phát hiện và khắc phục kịp thời, "mắt lười" sẽ nhìn kém ngay cả khi được chỉnh kính tối ưu, trẻ sẽ không có thị giác 2 mắt nên sẽ hạn chế nhiều trong các hoạt động cần phối hợp 2 mắt, khả năng nhận biết không gian, và các vật tiêu di động.
Học sinh được thử thị lực trước khi bác sĩ khám mắt và chỉnh kính.
Chuyên gia mắt HITEC khuyến cáo cần làm gì để phát hiện mắt con "có vấn đề"?
Loạn thị (Astigmatism) là một loại tật khúc xạ khi mắt ghi nhận những hình dạng khác thường so với hình thực tế… Những tia sáng không được hội tụ lại một điểm mà lại bị khuếch tán trên võng mạc, khiến hình ảnh thu được có hình dạng méo mó và nhoè. Loạn thị có thể đơn độc nhưng thường xảy ra cùng với cận thị (myopia) hoặc viễn thị (Hyperopia).
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt kỹ thuật cao HITEC, cha mẹ hãy trở thành "bác sĩ" của con mình bằng việc thường xuyên quan sát các thói quen "nhìn gần" hay phải nheo mắt, nghiêng đầu để nhìn của con khi đọc sách, xem ti vi, nhìn màn hình … để sớm phát hiện ra những bất thường và đưa con đi khám sớm.
Cùng với thầy cô giáo, cha mẹ có thể phát hiện ra những "thói quen thị giác" của con: hay nhìn nhầm một số chữ cái/số: số 0, 6, 9 hoặc chữ X – Y, chữ L – D…hoặc khi trẻ đọc bị lệch hàng, trẻ lớn nhưng khi đọc vẫn cần lấy tay chỉ theo từng chữ mà không đọc "buông" được nhiều hàng… Đó là những dấu hiệu "bất thường" ở mắt của trẻ mà cha mẹ và thầy cô cần biết được.
Năm học mới bắt đầu, nhiều học sinh được cha mẹ đưa đến khám khúc xạ tại Bệnh viện Mắt HITEC.
Trẻ nhìn 2 mắt, có thể vẫn thấy bình thường. Đôi khi bảo con che đi một mắt để so sánh thị lực 2 mắt và phát hiện ra một mắt kém hơn. Trẻ nhỏ hơn, đôi khi đi lại hay vấp ngã, tiến sát đến tivi, làm đổ vỡ đồ vật do nhìn kém. Cha mẹ hoặc người trông trẻ, tinh í cũng có thể phát hiện ra những "bất thường" đó.
"Khám kiểm tra thị lực thường xuyên để phát hiện kịp thời sự suy giảm về thị lực và những bất thường của hoạt động thị giác là việc làm vô cùng cần thiết giúp trẻ có đôi mắt sáng khỏe"- Chuyên gia HITEC nhấn mạnh.
Dương Chung (Theo suckhoedoisong.vn)