Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), tạo bước ngoặt lớn trong việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Với 8 điểm mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT không chỉ mở rộng quyền lợi cho người tham gia mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới hệ thống BHYT, hướng tới sự công bằng và hiệu quả trong quản lý quỹ BHYT.
Hệ thống xét nghiệm hiện đại của Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Chung
Theo Bộ Y tế, so với Luật BHYT hiện hành, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có 8 nhóm điểm mới cơ bản, liên quan đến quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Một trong những điểm nhấn của luật là việc mở rộng quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) cho người tham gia BHYT. Theo đó, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến; tạo điều kiện tối đa cho người bệnh giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB; quy định 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao mà không cần giấy chuyển viện.
Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo có thể được chuyển thẳng tới các cơ sở chuyên sâu mà không cần giấy chuyển viện, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Ngoài ra, điều trị lác và tật khúc xạ của mắt cho trẻ dưới 18 tuổi cũng lần đầu tiên được BHYT chi trả, tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho trẻ em.
Bác sĩ Phạm Việt Hưng, Giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải Vĩnh Phúc cho biết: “Thực tế, chính sách thông tuyến KCB đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân. Cụ thể, tuyến huyện đã thông tuyến khám ngoại trú, cho phép người bệnh có thể khám tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến huyện nào trên toàn quốc mà không cần giấy chuyển tuyến.
Tuyến tỉnh cũng thông tuyến nội trú, giúp bệnh nhân điều trị tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng được hưởng quyền lợi BHYT như đúng tuyến.
Song song với đó, Luật Cư trú mới đã xóa bỏ sổ hộ khẩu giấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính và không ràng buộc người dân vào nơi đăng ký thường trú.
Những thay đổi này giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, giảm chi phí, thời gian và thủ tục không cần thiết. Chính sách này đặc biệt hữu ích với lao động di cư và người ở vùng sâu, vùng xa.
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, việc không phân biệt địa giới hành chính và cho phép KCB tại tất cả các cơ sở thuộc hệ thống BHYT sẽ tạo bước đột phá lớn.
Đặc biệt, đối với những ca bệnh nặng, phức tạp, bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không còn phải chờ đợi thủ tục chuyển tuyến mà có thể tới ngay các trung tâm chuyên sâu để điều trị. Đây là yếu tố quan trọng giúp giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân”.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2025, dịch vụ KCB tại nhà và từ xa sẽ được áp dụng, mang lại lợi ích lớn cho người cao tuổi, người khuyết tật và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa. Đây là sự đổi mới quan trọng, phù hợp với xu hướng số hóa y tế.
Một trong những cải cách đáng chú ý đã được Quốc hội thông qua nữa là việc triển khai thẻ BHYT điện tử từ năm 2025, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và sử dụng dịch vụ. Dữ liệu y tế sẽ được liên thông giữa các cơ sở, hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Theo báo cáo của ngành Bảo hiểm xã hội, việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giảm thời gian chờ đợi mà còn giúp việc giám sát và quản lý quỹ BHYT minh bạch hơn.
Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, tỷ lệ chi từ quỹ BHYT cho các hoạt động KCB sẽ tăng lên 92%, giảm tỷ lệ dành cho quỹ dự phòng xuống 8%. Điều này đảm bảo phần lớn nguồn lực sẽ được sử dụng trực tiếp để đầu tư vào trang thiết bị y tế, thuốc men và nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Bà Dương Thị Tâm, tổ dân phố Hưng Thịnh, thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch) chia sẻ: “Tôi rất mừng khi sắp tới BHYT sẽ chi trả cả những dịch vụ khám tại nhà. Những người cao tuổi như tôi sẽ không còn phải đi đến cơ sở y tế mà vẫn được theo dõi sức khỏe, chăm sóc y tế, giúp chúng tôi có tuổi già khỏe mạnh”.
Dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các cơ sở y tế, nhưng theo bác sĩ Phạm Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng đặt ra những thách thức trong triển khai khi thời gian tới sẽ tiến hành liên thông kết quả xét nghiệm từ tuyến cơ bản đến tuyến chuyên sâu.
Như vậy các đơn vị y tế tuyến cơ bản sẽ phải nâng cao năng lực xét nghiệm để kết quả xét nghiệm được công nhận trong toàn quốc. Bên cạnh đó, hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin của tuyến cơ bản còn rất hạn chế.
Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng lộ trình KCB từ xa, chuyển đổi số ngành Y tế và liên thông kết quả xét nghiệm toàn quốc để việc triển khai các chính sách mới được hiệu quả.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong việc bảo vệ quyền lợi y tế cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Với những cải cách đột phá, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế hiện đại, minh bạch và công bằng.
Luật BHYT sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mở ra nhiều kỳ vọng về một hệ thống y tế toàn diện và hiệu quả hơn, nâng cao sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống của người dân.
Minh Nguyệt