Đọc ấn phẩm “Bố, con với thời cuộc” do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành của Xuân Tửu - Tri Thức, tôi chộn rộn kỷ niệm xưa với nhà báo Xuân Tửu và yêu quý thêm nhà báo Tri Thức (con trai út của Xuân Tửu)...
Tôi và Xuân Tửu cùng nghề giáo sang làm Báo Vĩnh Phúc. Ấn phẩm “Bố, con với thời cuộc”, ông Xuân Tửu với 32 bài, khi là giai phẩm, lúc là tiểu phẩm xếp gọn trong chuyên mục: Những điều trông thấy. Hầu hết bài viết ở thời điểm Phú Thọ - Vĩnh Phúc hợp nhất thành Vĩnh Phú ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Thời ấy ông Xuân Tửu là Phó Tổng biên tập Báo Vĩnh Phú; khi tái lập tỉnh là Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc. Thời gian xa ngái, nay ông đã 85 tuổi vẫn lưu giữ được những bài viết nhỏ để vào chung tập sách với con trai út Tri Thức 50 tuổi, là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản...
Tôi yêu quý những bài viết ở thời xa lắc; thời mà trăm vạn thứ thiếu thốn, tất cả công việc làm nên đều nhờ lòng đam mê, cần cù và nhẫn nại... Nghĩa là làm báo phải có con mắt tinh tường, yêu người, yêu nghề, yêu dân, yêu Đảng, yêu thắm thiết quê hương Tổ quốc... Xuân Tửu thấm rất sâu trong gan ruột như thế. Ông luôn cùng anh em chịu đi, chịu đến, chịu nghĩ, chịu viết kể cả những bài rất ngắn bằng những gì ông trông thấy, đưa in báo, lưu giữ và vào chuyên mục của tập sách. Nói thì giản đơn, nhưng đó là một cách nhìn nhận, khai thác, xem xét, quyết định loan tin và lưu giữ. 32 bài viết là những vấn đề ở quanh ông, là nhân thế, nhân sinh, là thời cuộc nếu không làm tốt thì sẽ là có tội với dân, với nước.
Ví như, ông viết “Chẳng lẽ đặt vòng cho nam giới?”. Ấy là chuyện ở Sở Công nghiệp. Đơn vị có 7 nữ, trong đó 2 người hết tuổi đẻ. Số người trong diện được đẻ chỉ có 2. Như vậy chỉ tiêu phải đặt vòng là 3. Vậy mà Phòng Y tế Việt Trì giao chỉ tiêu cho sở phải đặt tới 13 vòng tránh thai (năm 1986)!... Ông phê phán cái thói quan liêu, tùy tiện, đáng cười và đầy chua chát!... Ông vạch chuyện “Cấm đi xe trên đê mùa mưa bão”, thế nhưng cứ nộp lệ phí 3.000 đồng (có phiếu thu) thì xe nào cũng đi!... Tác giả chế nhạo thói trọng tiền qua bài “Mời ai?” của một cán bộ có hàm cấp, tổ chức lễ cưới cho con nhưng chỉ mời những người khá giả về tài chính cốt để nhận quà mừng; những người thân tình như nhà giáo, y tế, kỹ sư thì vắng tanh vắng ngắt!...
Nghĩa là, theo dòng thời cuộc ở cái thời xa lắc xa lơ ấy, Xuân Tửu trông thấy biết bao điều ngang trái, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, vô trách nhiệm ở nhiều lĩnh vực, ngành, cấp... với trách nhiệm nghề báo, ông đã “ra đòn”! Dù viết dưới dạng giai thoại, nhẹ nhàng... nhưng mà đau, đắng, thấm rất sâu vào danh dự!
Ấn phẩm “Bố, con với thời cuộc”.
“Nhói lòng suy thoái” là chuyên mục của Tri Thức trong tập sách.
Phải nói ngay, Tri Thức là nhà báo thành đạt, người đời thường nhắn nhe trên mạng với bố mẹ anh là Xuân Tửu và Cẩm Tú rằng: “Nhà có phúc!”... Tri Thức là nhà báo trẻ nhưng rất năng nổ, giàu tài năng, chăm đi, chăm viết, viết tốt. Sống chân tình với mọi người một cách có trên có dưới. Giàu tình cảm và rất có trách nhiệm với gia đình, bố mẹ, vợ con như cái lẽ phải có ở đời... Đồng nghiệp, công chúng biết đến Tri Thức không chỉ ở bài báo mà còn là người có học vị, giảng dạy nghề báo ở nhiều địa phương trong nước...
“Nhói lòng suy thoái” của anh níu tôi đọc quên mình đã ở tuổi 85 chân chậm mắt mờ. Anh viết tiểu phẩm, chính luận, giai thoại phê phán đủ điều, đủ lĩnh vực từ ông to, bà lớn; từ Trung ương, địa phương, ngành, cấp, bộ, ban... gây tội lỗi, cái xấu, cái sai; phạm pháp... Tác giả nói đâu ra đó, dẫn đâu thấy đó, có lý, có tình, chặt chịa! Cũng giống với bố Xuân Tửu, phần nhiều các bài phê phán của Tri Thức là trông thấy. Nhưng anh lợi thế hơn chúng tôi là ở chỗ thời thế và thời cuộc phát triển, biến đổi mạnh mẽ… Nghĩa là giúp nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đa dạng, nhiều chiều; có tư duy khoa học nên Tri Thức chọn tư liệu thông tin, viết, trích dẫn chính xác, để lại niềm tin quý cho người đọc. Hơn nữa anh có cái nhìn, cách nhìn, chọn lựa chi tiết, tình tiết, lối quan sát rất chuẩn của nghề báo. Là nhà báo, nhà quan sát, người “cầm trịch” ấn phẩm báo chí nên luôn có cách viết, cách quyết định loan tin đúng chỗ, đúng thời điểm... 32 bài viết trong tập nói lên điều đó... Bài Thuốc trị “bệnh” nịnh anh nhẹ nhàng phân tích về thói vuốt ve, xu nịnh, bợ đỡ... trong tập thể cơ quan rất cần ngăn chặn. Bài Đánh thức “lương tâm mùi tiền” anh dẫn dụ phê phán bao thói hư tật xấu tạo ra thực phẩm để kiếm tiền trong dịp tết là sự nhắm mắt để đầu độc đồng bào mình…
Sau mỗi bài phê phán, tác giả giống như thầy thuốc giỏi chỉ ra phép trị hữu hiệu. Ví như bài Mối họa từ “người giả” chỉ rõ: “Nếu xã hội còn thờ ơ với những mối họa từ “người giả”, e rằng nguy cơ phai nhạt niềm tin, sự thối chí, bàng quan, chùn bước trước cái xấu, cái tiêu cực, cái “chướng tai gai mắt” sẽ còn diễn ra. Thế nên, đấu tranh chống “người giả” còn quan trọng, cấp bách hơn cuộc chiến với hàng giả”! Anh đề cao cái thực của con người, của người lãnh đạo: “Cái mã bên ngoài ấy, có thể là nhà đẹp, xe sang, hàng hiệu, học hàm, học vị, bằng cấp. Nhưng cái bên trong mới quan trọng, quyết định, bởi đó là trí tuệ, đạo đức, khát khao cống hiến, đặt lợi ích tập thể, nhân dân lên hàng đầu. Còn đỏ chưa hẳn đã chín, ấy là đỏ giả…” (Đỏ giả và đẹp mã)…
64 bài viết trong tập sách, đọc rồi ngẫm ra bố con nhà báo Xuân Tửu - Tri Thức nhất tâm nhắn nhủ với người đọc: Cái quý của con người là danh dự, là sống cho hay, cho đẹp, cho ta và cho xã hội ngày một hơn lên. Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”... “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài Cán bộ nhận hối lộ và số tiền khổng lồ nộp lại)...
“Bố, con với thời cuộc” là tập sách quý do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành tháng 9/2024. Xin trân trọng thông tin cùng bạn đọc!
Nguyễn Uyển