Được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sớm nhận được nhiều sự quan tâm góp ý của đội ngũ công chứng viên và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Đa số các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách công chứng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời kiến nghị rà soát một số quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng không nên giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu
Triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới như số lượng công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đều tăng đáng kể; chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao; quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân.
Hoạt động công chứng đã bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, tránh thất thoát nguồn thu thuế, giảm thiểu số lượng và quy mô tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung; việc xác định phạm vi công chứng chưa thực sự phù hợp; chất lượng đội ngũ công chứng viên chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề; việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại một số địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất về chủ trương, định hướng phát triển…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế thì việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Khẳng định việc ban hành dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là rất cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Một trong số các định hướng lớn đặt ra khi sửa đổi Luật Công chứng 2014 là "xây dựng cơ sở pháp lý chuyển đổi số hoạt động công chứng". Theo đó, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bước đầu cụ thể hóa nội dung này, bởi đây là nội dung mới, nhận được sự chú ý đặc biệt không chỉ của người dân, công chứng viên mà đối với cả cơ quan quản lý nhà nước.
Đảng và Nhà nước đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực công chứng theo hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Băn khoăn quy định tuổi hành nghề
Theo thống kê của Sở Tư pháp, tại Vĩnh Phúc hiện nay có 65 công chứng viên hành nghề tại 28 tổ chức hành nghề công chứng với độ tuổi trung bình là 55 tuổi, số công chứng viên 60 tuổi trở lên chiếm 50%. Từ năm 2015 đến nay, số lượng hợp đồng, giao dịch công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh bình quân đạt khoảng 230 nghìn lượt việc công chứng/năm. Các yêu cầu công chứng của người dân đều được giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Trước nhu cầu cấp bách trong việc đổi mới hoạt động công chứng để phù hợp với tình hình thực tế, hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
Đa số các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng: Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này đã giải quyết được hầu hết vướng mắc trong thực tế hoạt động công chứng trong thời gian qua về phạm vi công chứng; thủ tục bổ nhiệm công chứng viên; tên gọi của văn phòng công chứng; thủ tục công chứng cũng như các quy định cơ bản về công chứng điện tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình công chứng điện tử...
Một trong những nội dung được nhiều công chứng viên quan tâm là việc dự thảo quy định giới hạn độ tuổi công chứng viên đến 70 tuổi. Lấy dẫn chứng số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng lên gần 74 tuổi, nhiều người 70 tuổi còn minh mẫn, đảm bảo sức khỏe, nhiều đại biểu cho rằng nếu quy định cứng "không quá 70 tuổi" có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, nên cần có quy định hợp lý hơn.
Nhiều ý kiến đề nghị không giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên nên sửa theo hướng bổ nhiệm công chứng viên lần đầu không quá bao nhiêu tuổi (đề xuất không quá 65 tuổi khi bổ nhiệm lần đầu) và khi hành nghề sau 65 tuổi thì hằng năm đều phải có chứng nhận sức khỏe của cơ sở ý tế.
Đại diện Phòng Công chứng số 1 Vĩnh Phúc cho rằng: Quy định như dự thảo không thống nhất với pháp luật về luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên... là những người làm nghề tư pháp nhưng không giới hạn độ tuổi hành nghề. Kết quả công chứng không phụ thuộc vào tuổi mà phụ thuộc vào sức khỏe, có người dưới 70 tuổi nhưng sức khỏe kém nên kết quả hoạt động công chứng thấp và ngược lại. Nếu tiếp tục quy định như dự thảo luật thì cơ quan soạn thảo cần có cơ sở, cần khảo sát, đánh giá toàn diện về số lượng công chứng viên trên 60 tuổi ở mỗi tỉnh, thành phố.
Liên quan đến công chứng điện tử, đại diện Sở Tư pháp tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
“Trong điều kiện các nước trong khu vực và trên thế giới đều đồng loạt thực hiện chuyển đổi số thì các văn bản, dữ liệu pháp lý dưới dạng số được sử dụng ngày càng rộng rãi thay cho các văn bản giấy thủ công. Công nhận giá trị pháp lý và chấp nhận cách thức sử dụng các văn bản điện tử là đòi hỏi tất yếu và mở ra cơ hội rất lớn để Việt Nam hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp. Do vậy, quy định về công chứng số trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) là rất cần thiết” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Tuấn An chia sẻ.
Thiệu Vũ