Nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, không thể không nhắc tới vai trò của công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch. Đây không chỉ được coi là một kỳ tích của lịch sử quân sự Việt Nam mà công tác hậu cần từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành bài học kinh nghiệm sâu sắc trong suốt các cuộc chiến đấu của dân tộc và đến nay vẫn được vận dụng linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ CHQS tỉnh luôn đảm bảo kiểm đếm, quản lý, cấp phát đầy đủ quân tư trang cho các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Dương Hà
Điện Biên Phủ là chiến dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến tranh Đông Dương, do đó, công tác bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt.
Tuy nhiên, việc đảm bảo hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được thực hiện trong điều kiện đặc biệt khó khăn khi chiến trường ở xa hậu phương vài trăm cây số, địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu thất thường, khả năng huy động hậu cần tại chỗ rất hạn chế do vùng Tây Bắc dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Trong khi đó, quân địch tập trung đánh phá liên tục, ác liệt trên các tuyến trọng điểm, ngăn chi viện từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ.
Đứng trước khó khăn đó, với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân ta đã huy động toàn lực lượng đảm bảo hậu cần mọi mặt với 87 nghìn người tham gia chiến dịch.
Chỉ bằng sức người nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng, cho dù phương tiện thô sơ là xe đạp thồ, quân và dân đã chi viện hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc, dụng cụ quân y, vũ khí đạn dược… phục vụ chiến dịch, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trước sự kinh ngạc của kẻ thù.
Từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ, Quân đội đã vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm trong đảm bảo hậu cần, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và hai cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc, phía Tây Nam. Trải qua 70 năm lịch sử, những bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị và được nghiên cứu, kế thừa để xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ trong điều kiện mới.
Những năm qua, công tác hậu cần quân đội trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện tốt, bám sát vào chủ trương phát huy sức mạnh hậu cần toàn dân, lấy hậu cần nhân dân rộng khắp làm cơ sở, hậu cần khu vực phòng thủ làm nền tảng và hậu cần chiến lược, chiến dịch làm nòng cốt.
Cán bộ, chiến sĩ Kho Kỹ thuật, Bộ CHQS tỉnh tích cực tăng gia sản xuất, đảm bảo hậu cần tại chỗ. Ảnh: Dương Hà
Các địa phương quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc. Trong đó, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ; xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên chất lượng cao.
Đồng thời kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh trong xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần; ưu tiên xây dựng đường giao thông, cơ sở y tế, chế biến, kho trạm… Qua đó, từng bước hoàn thiện thế trận và tiềm lực hậu cần tại chỗ vững chắc, đảm bảo khả năng huy động hậu cần tại chỗ trong các tình huống.
Nhờ vậy hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều đảm bảo công tác hậu cần cho lực lượng vũ trang thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương thường xuyên và đột xuất.
Đối với những tình huống “chiến tranh phi truyền thống” xảy ra trên địa bàn như thiên tai, dịch bệnh thì khả năng huy động tiềm lực hậu cần trong khu vực phòng thủ càng được phát huy, đảm bảo đúng, đủ nhu cầu đặt ra.
Điển hình như khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên có ca nhiễm. Gần 2 năm chống dịch bệnh, các cơ sở cách ly tập trung phần lớn do đơn vị quân đội quản lý đã đảm bảo tốt công tác hậu cần (ăn, mặc, ở, điều trị…) cho công dân thực hiện cách ly phòng dịch và lực lượng làm nhiệm vụ.
Có thời kỳ cao điểm, mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh cung cấp hàng chục nghìn suất ăn cho công dân; huy động sự tham gia tích cực của các lực lượng từ bộ đội thường trực đến dân quân tự vệ và nhân dân ở địa bàn đóng quân trong việc vận chuyển, nấu, chia suất ăn... Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh cũng tích cực đóng góp, ủng hộ để đảm bảo cho bộ đội và công dân cách ly phòng dịch có những bữa ăn ngon, đủ đầy dinh dưỡng.
Nhờ xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ từ trước nên đã làm nền tảng vững chắc, kết hợp với sức mạnh của hậu cần toàn dân rộng khắp, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã sớm đầy lùi dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác hậu cần phải được chuẩn bị từ xa, từ sớm và luôn thay đổi, thích nghi phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm từ lịch sử.
Trong đó nổi bật là bài học về công tác hậu cần từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn luôn có sự kế thừa linh hoạt, góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc, góp phần giúp lực lượng vũ trang hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bình Duyên