Sông Lô là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác của tỉnh, bởi vậy, công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, chăm lo. Trong đó, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, dành nguồn lực thực hiện các chương trình giảm nghèo; giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi rắn ở xã Bạch Lưu giúp nhiều người dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Để công tác giảm nghèo hiệu quả, UBND huyện Sông Lô đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; quán triệt, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về giảm nghèo, từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
UBND huyện phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; huy động sự vào cuộc của toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững; khơi dậy ý chí vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của người dân. Tích cực lan tỏa những tấm gương, mô hình giảm nghèo hiệu quả, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lê Thanh Dự cho biết: Căn cứ vào đặc điểm tình hình, huyện giao chỉ tiêu và tổ chức ký cam kết giảm nghèo với từng địa phương; chỉ đạo các xã, thị trấn điều tra, rà soát hộ nghèo đảm bảo đúng quy trình, tìm hiểu, phân tích thực trạng, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Huyện tập trung thực hiện tốt các chính sách tín dụng, hỗ trợ y tế, giáo dục, tiền điện, nhà ở, việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho các hộ nghèo, cận nghèo. Các cơ chế, chính sách được huyện triển khai công khai, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng.
Xưởng may của Công ty TNHH Chung Thảo, xã Quang Yên tạo việc làm cho nhiều lao động đồng bào DTTS.
Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô Vũ Ngọc Đăng cho biết: Với quan điểm “trao cần câu, không trao con cá”, đơn vị thường xuyên bám sát địa bàn để nắm rõ hoàn cảnh từng hộ nghèo, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, lựa chọn mô hình kinh tế, từ đó, kịp thời giải quyết nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh cho các hộ.
Đến nay, dư nợ của chi nhánh đạt trên 480 tỷ đồng với trên 10.000 lượt khách hàng vay vốn, trong đó, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn thực hiện các mô hình kinh tế phù hợp.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh, cây, con giống phù hợp, nhiều mô hình giảm nghèo của huyện Sông Lô đã mang lại hiệu quả.
Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn thịt, bò thịt ở xã Quang Yên; mô hình gà thả vườn, nuôi rắn, dê, ong ở xã Đồng Quế, Cao Phong, Bạch Lưu, Hải Lựu; mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trồng hoa, cây cảnh ở xã Đức Bác, Đôn Nhân, Phương Khoan; trồng rừng ở xã Lãng Công… giúp nhiều hộ nghèo có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Cùng với hỗ trợ vốn ưu đãi, huyện Sông Lô còn linh hoạt triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững như: Tuyên truyền, vận động học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, XKLĐ; xây dựng các mô hình kinh tế bền vững tạo công ăn, việc làm tại chỗ cho người nghèo, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở…
Hằng năm, hàng trăm lượt lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn được tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn; được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Các hội, đoàn thể cũng tích cực phối hợp tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế ở các địa phương; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng KHKT trong trồng trọt, chăn nuôi cho đoàn viên, hội viên là hộ nghèo, cận nghèo.
Nhiều hoạt động hỗ trợ như trao tặng cây, con giống, trang thiết bị máy móc, vật tư nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã đồng hành, hỗ trợ hội viên nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo của huyện Sông Lô đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,84%; hộ cận nghèo còn 2,11%. Phần lớn hộ nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm, nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm thoát nghèo, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.
Năm 2024, huyện Sông Lô tiếp tục tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong công tác giảm nghèo; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giảm nghèo gắn với chỉ tiêu phát triển KT-XH, chương trình xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư để giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Bài, ảnh: Phương Loan