Thực hiện lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đê tả Lô đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, trên 70% khối lượng dự án đã được hoàn thành, quá trình tổ chức thi công đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản khu vực sạt lở.
Khẩn trương khắc phục
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 20/9, từ K0+650 đến K0+850 đê tả Lô thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu đã xảy ra sạt lở mạnh, diện tích sạt lở lớn với đường cung sạt lở có chiều dài khoảng 200m.
Sự cố sạt lở không chỉ trực tiếp đe dọa đến an toàn đê tả Lô mà còn gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung ngoài bãi sông và vùng lân cận.
Khu vực sạt lở có 7 hộ dân sinh sống với 44 khẩu, trong đó 3 hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi. Vị trí sạt lở cách chân đê tả sông Lô khoảng 30m.
Diễn biến sạt lở không dừng lại mà tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng (đến 18 giờ ngày 20/9, cung sạt lở ăn sâu vào bãi sông trên 10m), chỉ cách nhà dân chừng 3m. Vị trí sạt lở liên tục tiến sâu, chỉ cách mặt đê khoảng 20m, có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả sông Lô.
Để kịp thời ngăn chặn hiện tượng sạt lở diện rộng, bảo đảm an toàn cho tuyến đê tả Lô và tính mạng nhân dân trong khu vực, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650 đến K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô tại Quyết định số 1367.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh - đơn vị chủ đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô đoạn từ K0+650 đến K0+850 đê tả Lô cho biết: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Ban Quản lý dự án đã lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát lập hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công triển khai ngay các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế sạt lở. Trên cơ sở tài liệu khảo sát thực tế địa chất, địa hình, giải pháp xử lý được các đơn vị thống nhất triển khai là thả lăng thể đá hộ chân khu vực sạt lở.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Sự cố sạt lở không chỉ trực tiếp đe dọa đến an toàn đê tả Lô mà còn ảnh hưởng một vùng rộng lớn thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch với diện tích vùng bảo vệ khoảng 14.123 ha, dân số vùng bảo vệ 164.879 người. Đồng thời gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung ngoài bãi sông.
Nói về nguyên nhân gây sạt lở tuyến đê, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Duy Thắng cho biết: Một trong những nguyên nhân xảy ra sạt lở là do địa hình lòng sông dốc lớn từ trong bờ ra phía sông, lòng sông bị xói sâu, khu vực sâu nhất cao độ dao động từ -14,5m đến -16,5m. Khu vực thượng lưu của phạm vi sạt trượt có đường xuống bến đò tự phát và ghềnh đá nhô ra phía ngoài sông, tạo nên hình thái như kè mỏ hàn, ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy, gây xói lở bờ sông.Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mực nước sông Lô lên cao; khu vực sạt lở nhiều ngày bị ngập sâu trong nước, kết hợp với địa chất bãi sông cấu trúc nền gồm nhiều lớp đất yếu với bề dày lớn, phân bố nông và xen kẽ; đồng thời do các công trình như nhà dân, chuồng trại chăn nuôi xây dựng ngay trên mái taluy đê… đã tạo thêm tải trọng phụ cho nền đất. Khi mực nước sông dâng cao, các lớp đất yếu bị bão hòa nước sẽ giảm nhanh cường độ kháng cắt, gây mất ổn định mái dốc bờ sông.
Đến nay, khối lượng thi công phần lăng thể đá đổ hộ chân theo phương án thiết kế ước đạt khoảng 70%.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Duy Thắng cho biết khẳng định giải pháp thả lăng thể đá hộ chân đã phát huy tác dụng, góp phần hạn chế tình trạng sạt trượt, gia tăng mức độ an toàn cho khu vực sạt lở; khối lăng thể hộ chân có tác dụng tăng hệ số an toàn, chống lại tác động của dòng chảy đáy, chống xói chân mái dốc tự nhiên của tuyến bờ sông Lô. Đến nay, khu vực bị sạt trượt không có hiện tượng sạt lở thêm.
Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm an toàn tuyến đê tả Lô và tính mạng, tài sản của nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tỉnh cần tiếp tục có giải pháp tổng thể kè bảo vệ mái cung sạt thân kè, đỉnh kè; hạ bớt tải trọng tác dụng trên mặt đất khu vực sạt trượt, bạt mái cung sạt để tăng tính ổn định của mái cung sạt”.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Thắng, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm gia cố hệ thống đê, việc di chuyển những hộ dân đang sinh sống trên đê là rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và hệ thống đê.
Theo số liệu điều tra, nhà dân xây dựng trong khu vực sạt trượt, các nhà cao tầng có móng nhà là móng cốc, chiều sâu móng nông, từ 1m đến 1,5m, nằm trên tầng đất yếu dẫn đến tính ổn định không bền vững. Khối đất trong khu vực dưới móng nhà đã bị phá hủy kết cấu ban đầu do sạt trượt, kết cấu không chặt như lúc chưa xảy ra sạt lở nên nguy cơ các nhà dân trong khu vực này sẽ bị lún, sạt lở là hiện hữu, đặc biệt khi nước sông lên cao và rút nhanh.
Liên quan đến việc di chuyển các hộ dân đang sinh sống trong vùng sạt lở đến khu vực an toàn, trao đổi với phóng viên, đại diện UBND xã Bạch Lưu cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, nhà thầu thi công tiến hành sơ tán các hộ trong vùng ảnh hưởng sạt trượt tới nơi ở tạm để bảo đảm an toàn; thường xuyên giám sát, tuyên truyền, vận động người dân không tiến hành xây dựng các công trình trong phạm vi sạt lở để tránh gia tăng tải trọng lên cung sạt.
Bên cạnh đó, lấy ý kiến của người dân và xây dựng kế hoạch tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng đến vùng an toàn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng xã Bạch Lưu đến năm 2030 và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện và tỉnh.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ