Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, ở nhiều địa phương trong cả nước, tình hình tội phạm mua, bán người có những diễn biến phức tạp và chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm của lực lượng công an, loại tội phạm này tiếp tục được kiềm chế hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Chi hội Phụ nữ thôn Tây Sơn, xã Thái Hòa (Lập Thạch) tích cực tuyên truyền người dân cảnh giác với tội phạm mua, bán người. Ảnh: Trường Khanh
Mỗi vụ mua, bán người trót lọt có thể đem lại nguồn thu bất hợp pháp rất lớn, vì thế, các đối tượng phạm tội không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa được “con mồi” và qua mắt cơ quan chức năng.
Bọn chúng thường nhắm đến phụ nữ, trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người không có nghề nghiệp ổn định và cuộc sống đang gặp khó khăn để kết bạn, làm quen. Khi tạo được niềm tin thì vẽ ra một tương lai tươi sáng về công việc ổn định, thu nhập cao bên nước ngoài, sau đó, lừa nạn nhân qua biên giới và bán cho các công ty, đối tượng môi giới khác kiếm lời.
Để phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này, tuyên truyền là một trong những biện pháp mang lại nhiều chuyển biến tích cực nhất, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác và tự bảo vệ mình.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình điểm “Phòng chống mua, bán người”, mô hình gia đình “5 không, 3 sạch”; vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.
Từ năm 2022, đơn vị ký giao ước với Công an tỉnh về thực hiện kế hoạch phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2022 - 2027; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về Luật An ninh mạng và các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, nhất là thủ đoạn lừa đảo phụ nữ, trẻ em đi làm "việc nhẹ, lương cao", đi làm ăn ở nước ngoài với mức lương hấp dẫn...
Với vai trò nòng cốt trong đấu tranh với tội phạm, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm mua, bán người; rà soát, lên danh sách đối tượng có tiền án, tiền sự và nghi có liên quan đến tội phạm mua, bán phụ nữ, trẻ em để theo dõi di biến động và quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng xác định rõ các tuyến, địa bàn trọng điểm để siết chặt quản lý. Đồng thời, tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “5 tự quản” về an ninh trật tự; tổ liên gia tự quản; mô hình về phòng, chống tội phạm… để người dân trở thành cánh tay đắc lực, hỗ trợ công an trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm mua, bán người.
Các đối tượng phạm tội mua, bán người dưới 16 tuổi bị bắt giữ. Ảnh: Trường Khanh
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tinh thần quyết tâm trấn áp tội phạm của cơ quan công an, trong năm 2023, tội phạm mua, bán người trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiềm chế hiệu quả.
Toàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ mua, bán người dưới 16 tuổi làm nhân viên phục vụ tại quán hát karaoke “RO” ở xã Tử Du (Lập Thạch). Kết quả điều tra, có 7 đối tượng liên quan đã bị khởi tố và chịu mức án tương xứng với hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi và mua, bán người dưới 16 tuổi.
Mặc dù đã và đang được kiềm chế, song, loại tội phạm này đang tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Nổi lên gần đây là tình trạng mua, bán người sang làm việc trái phép ở nước ngoài… Bọn chúng sử dụng chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao" tổ chức cho nạn nhân vượt biên, sau đó ép buộc làm việc bất hợp pháp với cường độ cao, không được nhận tiền lương. Khi không hoàn thành khối lượng công việc sẽ bị tra tấn dã man, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu nạn nhân muốn về nước phải trả tiền chuộc lên tới vài trăm triệu đồng.
Cơ quan công an khẳng định, tội phạm mua, bán người là loại tội phạm ẩn, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán và môi giới, bọn chúng hoạt động liên tỉnh, thậm chí xuyên biên giới.
Từ tháng 8/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 50 trường hợp xuất cảnh trái phép, tập trung chủ yếu ở các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Vĩnh Tường, trong đó có hàng chục trường hợp bị lừa bán và bóc lột sức lao động ở Lào, Camphuchia, Myanmar, Philipines; cơ quan chức năng đã phải tiến hành giải cứu…
Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa trước phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi của các đối tượng. Không tin tưởng vào những lời dụ dỗ về công việc nhàn hạ nhưng có thu nhập cao ở nước ngoài. Khi có nhu cầu xuất cảnh, cần đi bằng còn đường chính ngạch để được bảo hộ hợp pháp cũng như đảm bảo quyền lợi bên nước ngoài.
Lê Minh