Ma túy là hiểm họa đe dọa sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và sự phát triển bền vững của xã hội. Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới đòi hỏi công tác cai nghiện trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm giảm thiểu tác hại từ ma túy gây ra. Cùng với hình thức cai nghiện bắt buộc tại cơ sở, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh mô hình cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được hỗ trợ, tạo điều kiện học nghề. Ảnh: Trường Khanh
Theo cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 137 người sử dụng trái phép chất ma túy; hơn 700 người nghiện ma túy ngoài cộng đồng có hồ sơ quản lý; hơn 400 người nghiện trong cơ sở cai nghiện; gần 220 người quản lý sau cai nghiện và gần 4.000 người nghi sử dụng trái phép chất ma túy.
Trong khi đó, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy còn gặp không ít khó khăn, với nhiều nguyên nhân. Thực trạng công tác cai nghiện hiện nay cho thấy còn nhiều vướng mắc; phương pháp cai nghiện truyền thống chưa hiệu quả; tỷ lệ tái nghiện cao; cơ sở cai nghiện thiếu thốn vật chất và nhân lực; còn tình trạng kỳ thị xã hội đối với người nghiện ma túy. Bản chất của nghiện ma túy được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là một bệnh mãn tính về não bộ, cần được điều trị lâu dài, kiên trì và tổng thể…
Từ ngày 1/3, Công an tỉnh đã tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị có nhiều khó khăn, nhân lực còn thiếu, song, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã nỗ lực khắc phục, bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện để giảm nguồn cung và giảm cầu ma túy.
Hiện, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận và quản lý hơn 400 học viên, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của cơ sở trước đây duy trì hoạt động, bảo đảm việc quản lý, điều trị và hỗ trợ học viên thông suốt, không để xảy ra gián đoạn ở bất kỳ khâu nào.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu với Ban Giám đốc Công an tỉnh tăng cường lực lượng, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chữa bệnh, học tập cho học viên.
Trong công tác cai nghiện, lấy đối tượng cai nghiện làm trung tâm, tôn trọng quyền con người nhằm giúp họ có cơ hội phục hồi và đóng góp cho xã hội. Lực lượng công an siết chặt an ninh trật tự thông qua việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ khu vực bên trong và bên ngoài trung tâm, không để xảy ra tình trạng bỏ trốn hay ma túy xâm nhập.
Từ việc thay đổi công tác quản lý cai nghiện của lực lượng công an, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp tục duy trì nền nếp sinh hoạt tốt cho học viên. Đa số học viên chấp hành nghiêm kỷ luật, quá trình cai nghiện; tham gia học nghề, chuẩn bị tốt mọi mặt để tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng công an thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mỗi học viên hiểu rõ mối nguy hại cũng như tác hại của hành vi sử dụng, buôn bán, vận chuyển ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, nâng cao nhận thức, tích cực chữa bệnh, lao động, học tập tốt, từ bỏ ma túy.
Nhằm đổi mới công tác cai nghiện, chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh duy trì và nhân rộng các tổ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng; với sự tham gia của các đoàn thể và nhân dân, vận động người nghiện và gia đình người nghiện khai báo, đăng ký hình thức cai nghiện ma túy phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 6 cơ sở điều trị cai nghiện bằng chất thay thế Methadone (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương, Bình Xuyên). Cơ sở vật chất, nhân lực bảo đảm duy trì thường xuyên cho 700 đối tượng điều trị cai nghiện bằng chất thay thế Methadone.
Để giảm tác hại của ma túy, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chú trọng công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người đã mắc nghiện. Sau khi cai nghiện ma túy, tất cả những người đã mắc nghiện đều được lập hồ sơ quản lý tại địa phương.
Công an cấp xã thường xuyên gọi hỏi, có biện pháp cảm hóa giáo dục, yêu cầu các đối tượng ký cam kết không sử dụng ma túy và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Lực lượng công an cơ sở phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ, vận động những người nghiện sau cai để động viên họ có ý chí, nghị lực từ bỏ ma túy, không tái nghiện.
Chính quyền địa phương thực hiện nhiều chương trình nhằm lồng ghép việc cai nghiện, quản lý và tái hòa nhập cộng đồng cho đối tượng nghiện sau cai như hỗ trợ tạo việc làm giúp người sau cai nghiện có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống, tránh mặc cảm với xã hội; động viên người sau cai nghiện tham gia các phong trào đoàn thể, xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm…
Kim Hiền