Luật Căn cước đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang Luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước. Điều này khiến nhiều người băn khoăn không biết rằng CCCD còn hiệu lực có phải đi làm lại hay không? Luật Căn cước mới sẽ mang lại những thuận lợi gì cho người dân so với những quy định cũ?
CMND, CCCD đã cấp được giữ nguyên giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.
Không bắt buộc làm lại căn cước công dân
Ngay sau khi Luật Căn cước được Quốc hội thông qua, một nội dung nhận được rất nhiều sự quan tâm là đến thời điểm hiện tại, theo thông tin của Bộ Công an, đã có hơn 80 triệu thẻ CCCD được cấp trên cả nước. Với CCCD này, sau khi luật mới có hiệu lực, người dân có phải làm lại căn cước không?
Anh Nguyễn Văn Tuyên, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo băn khoăn: "Tôi rất băn khoăn việc có phải làm lại CCCD theo mẫu mới sửa đổi? Nếu không làm thì có ảnh hưởng gì tới giao dịch không? Bởi hiện nay vẫn tôi vẫn sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong các giao dịch".
Tỏ ý lo ngại trước những quy định mới của Luật Căn cước, bác Nguyễn Mạnh Hà, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: Trong Luật Căn cước vừa được thông qua, việc lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ CCCD có gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý công dân hay không? Khi bỏ các dữ liệu trên, chúng ta sẽ quản lý công dân như thế nào?
Giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân, tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết: Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp. Công dân không phải đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện tích hợp, khai báo thông tin, trừ trường hợp công dân có nhu cầu bổ sung, đổi thẻ căn cước. Những giấy tờ tùy thân người dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (1/7/2024) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Việc loại bỏ dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng phía sau thẻ để bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ CCCD. Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể khai thác thông tin trong chip điện tử thông qua các phương tiện nghiệp vụ, không hề gây khó khăn hay phát sinh vướng mắc.
Nhiều lợi ích
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, giảm phức tạp trong thủ tục hành chính và đảm bảo tính riêng tư của công dân. Đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng và tích hợp thông tin, cải thiện quản lý dân cư, hỗ trợ chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt với những điểm mới, bổ sung và sửa đổi, Luật Căn cước góp phần mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người dân trong cuộc sống.
Đánh giá cao những bước đổi mới trong quản lý dân cư, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước… của Luật Căn cước, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là phù hợp, vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam, mà còn là người gốc Việt, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng; cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.
Khẳng định các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước trong luật đã có những thay đổi cải tiến tạo thuận lợi hơn cho người dân, bà Đinh Thị Ngọc Dung, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: Những thay đổi như bỏ vân tay, sửa đổi quy định về thông tin số thẻ, căn cước, dòng chữ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ thẻ căn cước nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú… đã tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên thẻ căn cước.
Không chỉ nhận được sự ủng hộ từ các đại biểu Quốc hội, Luật Căn cước dù mới được Quốc hội thông qua nhưng cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng thuận của người dân.
“Việc chỉnh lý thông tin nơi thường trú in trên thẻ CCCD thành nơi cư trú in trên thẻ căn cước là phù hợp với thực tiễn vì nhiều người hiện nay chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. Với quy định này thì tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước, đều được bảo đảm quyền lợi khi có giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự” - anh Nguyễn Văn Hưng, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên chia sẻ.
Với những điểm mới như loại bỏ vân tay và sửa tên thẻ; mở rộng đối tượng áp dụng; cấp thẻ căn cước cho trẻ em; tích hợp thông tin vào thẻ; căn cước điện tử; giữ nguyên giá trị sử dụng đối với các thẻ đã cấp…, Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ