Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn tái diễn. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác quản lý, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng (NTD), góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Bằng ở xã Vân Xuân (Vĩnh Tường), đồng thời, tịch thu toàn bộ số hàng hóa nhập lậu gồm 300 chiếc màn hình LCD Screen, 320 chiếc màn hình LCD & TOUCH Screen, 20.000 chiếc kính cường lực điện thoại GLASS, 2.000 chiếc kính màn hình GLASS, 300 hộp keo ép màn hình điện thoại SJ và buộc tiêu hủy hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng gồm 300 chiếc Pin JUFUXING, 250 chiếc Pin BAQE.
Toàn bộ số hàng hóa trên có tổng trị giá hơn 91 triệu đồng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hoá đơn và chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tháng 3/2023, qua kiểm tra đối với cửa hàng Tokyo Luxury thuộc Công ty TNHH Tokyo Luxury Việt Nam chuyên kinh doanh ghế massage tại thành phố Vĩnh Yên, lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở có các vi phạm gồm treo biển hiệu quảng cáo có sử dụng từ ngữ “Số 1” mà không có tài liệu chứng minh theo quy định; thực hiện chương trình khuyến mại nhưng không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; 2 sản phẩm ghế massage là hàng hóa nhập lậu... Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, toàn bộ các sản phẩm nhập lậu của cửa hàng Tokyo Luxury đã bị lực lượng tịch thu theo quy định.
Đây chỉ là 2 trong hơn 1.500 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mà các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong 10 tháng năm 2023. Các vụ vi phạm tuy không có quy mô lớn, song lại có hành vi, thủ đoạn khá tinh vi nhằm đối phó sự kiểm tra của lực lượng chức năng và đánh lừa, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của NTD.
Trong bối cảnh một số mặt hàng trên cả nước có sự biến động, để bình ổn thị trường, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhờ đó, công tác cung - cầu hàng hóa trên địa bàn từ đầu năm 2023 đến nay, cơ bản được đảm bảo, giá được kiểm soát tốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống hàng giả, đảm bảo ATVSTP... bảo vệ người tiêu dùng trong tình hình mới, các sở, ngành chức năng thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành, các hội thảo, hội nghị do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Cùng đó, Cục QLTT tỉnh - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh (SXKD) và các quy định trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong kinh doanh và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên hiện nay, các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi với việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có hóa đơn, chứng từ… đã và đang gây mất lòng tin tới một bộ phận người tiêu dùng; đồng thời gây khó khăn trong công tác thu thuế của các lực lượng chức năng. Công tác kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là ở các chợ nông thôn gặp nhiều khó khăn do khó truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm bày bán thường không được niêm yết giá...
Nhằm bảo đảm và nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trong đó đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Để từng bước đưa luật đi vào đời sống, nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND tỉnh đang tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2024 với chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”’.
Trong Kế hoạch yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm, đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường...
Bài, ảnh: Lưu Nhung