Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành lập mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể cũng tỉ lệ thuận với số DN thành lập mới. Trước thực trạng đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DNNVV tiếp cận các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh (SXKD), thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển, khẳng định vai trò là thành phần kinh tế chủ lực của tỉnh.
Đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất, các sản phẩm từ tinh bột của Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt, xã Kim Long (Tam Dương) ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều
Toàn tỉnh hiện có khoảng 9.500 DN đang hoạt động, trong đó, khu vực DNNVV chiếm tới 98%. Những năm gần đây, số lượng DNNVV thành lập mới trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, tuy nhiên, cũng không ít DN phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động do sức ép của thị trường.
Năm 2022, số DN trên địa bàn tỉnh tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể là 600 doanh nghiệp, trong khi đó, 10 tháng năm 2023, số lượng DN tạm ngừng sản xuất lên tới hơn 635 DN, 106 DN giải thể (tăng 37% so với cùng kỳ).
Theo kết quả khảo sát thực tế tại các DNNVV cho thấy, nhiều DN gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng, thị trường tiêu thụ giảm, khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, bị đứt gãy chuỗi cung ứng khiến đơn hàng chỉ đảm bảo 35 - 50% năng lực sản xuất…
Vì vậy việc nâng cao sức đề kháng cho DN trước những rủi ro thương mại, sức ép của thị trường là đặc biệt quan trọng. Cụ thể, các DNNVV phải đảm bảo được năng lực cạnh tranh, thích nghi với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và các khu vực trên thế giới được ký kết.
Theo Đề án Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh, bên cạnh mục tiêu mỗi năm có thêm từ 1.300 - 1.500 DN thành lập mới, đề án nêu rõ: “…Hỗ trợ cho DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức SXKD mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp đủ sức tham gia các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh…”.
Thực hiện Đề án Hỗ trợ DNNVV, tỉnh đang triển khai theo 4 nội dung chính gồm: Nhóm hỗ trợ chính sách chung về thông tin, pháp lý, tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, thuế, kế toán, phát triển công nghệ, nguồn nhận lực…; hỗ trợ DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ DN tham gia liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Năm 2023, tỉnh đã dành hơn 53 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho DNNVV; trong đó, kinh phí hỗ trợ tư vấn là 17,6 tỷ đồng, hỗ trợ công nghệ 14,5 tỷ đồng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hơn 6,8 tỷ đồng, hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gần 6,8 tỷ đồng.
Về công tác hỗ trợ pháp lý, tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021 - 2025, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với thực tiễn.
Giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh đã tiếp nhận, tư vấn cho gần 15.000 lượt tổ chức, cá nhân liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường… xây dựng 120 chuyên mục giới thiệu văn bản pháp luật mới ban hành, giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động của DN; tổ chức hơn 500 hội nghị, lớp tập huấn, tọa đàm nhằm phổ biến các văn bản pháp luật mới, liên quan đến DN cho cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế các cấp.
Hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay ưu đãi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc quy định về lãi suất, điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2% - 0,5%/năm ở các kỳ hạn; tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SXKD.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển SXKD, đặc biệt đối với các ngành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hỗ trợ DNNVV ứng dụng chuyển đổi số trong SXKD, đáp ứng xu thế thương mại điện tử thời kỳ công nghiệp 4.0, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ chi phí cho DN tham gia các khóa đào tạo về công nghệ thông tin, đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm của DN…
Tuy nhiên, để tăng sức đề kháng cho DNNVV nếu chỉ dựa vào cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ, quan trọng vẫn phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của mỗi DN.
Tín hiệu vui là từ năm 2022 - 9/2023, toàn tỉnh đã có hơn 2.700 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó, có 630 DN quay trở lại hoạt động. Với các giải pháp đồng bộ của tỉnh được triển khai trong thời gian tới, khu vực DNNVV sẽ có điều kiện hơn để phát triển bền vững cả số lượng và chất lượng, tiếp tục phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Hoàng Sơn