Mấy hôm nay trời mưa rả rích. Thời tiết đang oi bức bỗng chuyển se se lạnh. Buổi trưa bụng đang đói cồn cào thì bếp nhà hàng xóm tỏa ra mùi thơm không lẫn vào đâu được của món cá kho tương làm tôi chợt nhớ đến bữa cơm những ngày mưa thủa xưa. Mấy chục năm rồi nhưng một thời gian khó vẫn hiện ra trước mắt như mới ngày hôm qua.
Trận mưa sau những ngày nắng rát cuối thu không chỉ có tác dụng giải nhiệt mà còn mang lại nhiều lợi ích. Vườn rau trước nhà gặp mưa có một hai trận đã xanh non mơn mởn. Chẳng bù cho mấy hôm trước sáng tưới, chiều tưới đến cạn cả giếng nước mà rau vẫn cằn cỗi chẳng lên được. Mưa xuống, cây cối sinh vật phởn phơ. Lũ ếch nhái được dịp nhao ra tắm mưa, kiếm mồi…
Bọn trẻ chúng tôi háo hức với trò đội mưa đi bắt ếch, cá rô rạch. Trong khu tập thể, ngoài những ruộng rau cung cấp cho bữa ăn các gia đình hàng ngày còn đất trống chỗ nào đều trồng mía. Khi mưa xuống, các dõng mía là nơi cá rô theo dòng nước ngược lên. Chỉ cần cái rổ hớt hoặc tay không cũng bắt được cá. Ngày đó, cá nhiều vô kể, bắt hết đợt này đến đợt khác mà cứ hễ mưa xuống chúng vẫn ngoi lên từng đàn, từng đàn…
Tầm cuối thu cũng vừa qua mùa gặt, cá rô con nào con nấy béo mầm. Cá nhiều nên chỉ bắt một loáng đã đầy giỏ. Lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng gầy gò, đen nhẻm, ướt sũng nhưng đều hớn hở với “chiến lợi phẩm” thu được. Tiếng cười nói râm ran cả khu. Từng xem bố mẹ làm nhiều nên lũ trẻ rất thành thạo. Cá bắt được mang về đổ vào chiếc nồi to, bỏ nắm muối vào, đậy vung lại xóc cho đều. Để đến khi không còn tiếng lục đục nữa thì mang ra bể nước mổ. Cá mổ xong, rửa sạch bỏ vào nồi, ướp với tương rồi để đấy.
Công đoạn tiếp theo là quàng áo mưa ra vườn hái rau. Vườn rau lang xanh non, tôi cứ vặt đại cả ngọn lẫn lá đến khi đầy rổ thì thôi. Tiện thể nhổ khóm gừng để kho lẫn với cá. Gừng rửa sạch, củ thì đập dập, thân và lá thái nhỏ bỏ cả vào nồi kho với cá. Cá kho tương gừng kiểu này thơm nức mũi, ăn với cơm thì hợp vô cùng. Ăn hết cá rồi, vét ít vụn tương gừng cũng trôi vài bát cơm. Các cụ bảo có cá đổ vạ cho cơm là thế.
Còn rau lang mà đem nấu canh với tương cũng trở thành món ngon nhớ lâu. Món ăn tuy đơn giản nhưng có vị ngon ngọt của đồng quê. Chỉ cần đun sôi nước, cho chút tương vừa ăn rồi bỏ rau vào đun sôi lại một lát là chín. Rau nấu xong vẫn giữ màu xanh, không nát, ăn ngọt lịm không cần mì chính.
Ngày mưa kiếm đồ ăn không khó nhưng cực nhất là khâu nhóm bếp. Ngày đó chưa có bếp ga, bếp điện như bây giờ mà các gia đình đều đun bằng củi, rác. Thời kỳ khó khăn, nhà nhà đều dùng chất đốt như nhau cả nên củi rác kiếm cũng không dễ. Nhất là những đợt mưa dầm gió bấc, nấu cơm càng thêm cực.
Tận dụng mọi thứ có thể đun nấu, nhưng lá mía có lẽ là thứ khó đun nhất trên đời. Những hôm nắng hanh thì nó cháy nỏ vèo vèo, nhưng không có than. Khi cơm cạn đốt ít thì cơm sống, còn đốt quá tay một tí cơm lại cháy đen. Khổ nhất là những hôm mưa gió, chúng ẩm thì nhóm đến toét mắt cũng không cháy cho. Những hôm phải nấu cơm bằng lá mía thế nào tụi trẻ bọn tôi cũng bị bố mẹ chê “trên sống dưới khê tứ bề nhão nhoét”.
Dù thế nào thì cũng phải xoay xở nấu xong bữa cơm. Lắm hôm nấu xong cơm thì người nhễ nhại mồ hôi, chân tay mặt mũi đen nhẻm như chui trong hầm lò ra… Mâm cơm dọn ra, cả nhà quây quần vui vẻ. Mát giời lại có món cá kho nên nồi cơm chẳng mấy chốc hết veo. Căng cái bụng rồi nhưng miệng thì vẫn thòm thèm.
Lâu lắm rồi không được ăn những món dân dã kiểu đó nữa. Cá kho giờ cũng chỉ dùng gói gia vị mua sẵn nên không giống mùi vị xưa… Hôm nay trời mưa, bỗng nhớ bữa cơm đạm bạc thời thơ ấu. Không khói bếp mà khóe mắt cũng cay cay như vừa nấu xong nồi cơm bằng mớ lá mía ướt nhòe.
Xuân Hòa