Việc trữ đông thực phẩm là cần thiết để giúp bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Vậy có nên rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng hay rã đông bằng lò vi sóng?
Cách rã đông thực phẩm không đúng sẽ làm giảm dinh dưỡng có trong thực phẩm, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và sức khỏe của trẻ.
Theo Cleveland, có một số quy tắc bạn bắt buộc phải tuân theo khi rã đông thực phẩm. Nó không đơn giản là việc lấy ra một túi thực phẩm đông lạnh và để nó trên bàn. Hành động đó có thể trở thành thảm họa. Rã đông không đúng cách có nguy cơ gây ngộ độc hoặc nhiễm vi khuẩn listeria.
Vậy rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng có an toàn không? Câu trả lời là Không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên rã đông thực phẩm đông lạnh ở trong tủ lạnh hoặc nước lạnh để phòng sự phát triển của các vi sinh vật. Lựa chọn tốt nhất là rã đông đồ trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách tốt nhất để rã đông thực phẩm là rã đông trong ngăn mát tủ lạnh (Ảnh minh họa: N.P).
Dưới đây là 3 cách rã đông thực phẩm đúng và an toàn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế):
- Rã đông thực phẩm với nước
Cách này có thể áp dụng cho các loại thịt được trữ đông. Bạn hãy cho thịt cần rã đông vào 1 túi zíp hoặc màng bọc thực phẩm trước khi ngâm vào nước hoặc dưới vòi nước. Rắc chút muối hoặc đập dập gừng tươi cho vào nước để giữ độ tươi ngon cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.
Lưu ý: Nên thay nước mới mỗi 30 phút một lần để hạn chế vi khuẩn có hại. Sau khi rã đông, thịt cần được nấu chín ngay để tránh bị hư hỏng và đảm bảo dinh dưỡng.
Bạn không nên ngâm thức ăn trực tiếp vào nước để rã đông, dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hòa vào nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.
- Rã đông thực phẩm ở ngăn mát tủ lạnh
Cách này thường được nhiều gia đình áp dụng, vì tiện lợi. Bạn chỉ cần chuyển thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát, để trong 6-8 giờ để thực phẩm được rã đông tự nhiên.
Đây là phương pháp được xem là tối ưu, an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được rã đông dần trong ngăn mát tủ lạnh nếu chưa dùng ngay vẫn có thể bảo quản trong điều kiện như vậy 3-5 ngày. Nếu cần, có thể tái đông trở lại bằng cách chuyển trở lại ngăn đá để bảo quản lâu hơn.
Lưu ý: Bao bọc cẩn thận và để các thực phẩm tươi sống ra xa thức ăn đã được chế biến nhằm hạn chế lây nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên cho thực phẩm cần rã đông vào hộp hoặc đĩa để không bị chảy nước ra ngoài.
- Rã đông bằng lò vi sóng
Bạn chỉ cần cho thực phẩm cần rã đông vào lò vi sóng, chọn chế độ, thời gian phù hợp để bắt đầu.
Rã đông trong lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì một phần thịt có thể đã hơi bị chín.
Nếu dùng không hết, có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, nhưng phải được nấu chín lại thực phẩm, vì lúc này thực phẩm có thể đã nhiễm vi sinh.
Ngoài ra, thịt, cá đông lạnh có thể được quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.
Lưu ý: Nhiệt độ trong lò rất nóng nên bạn không được bọc thực phẩm trong túi nhựa vì sẽ gây chảy nhựa và cũng không cũng nên bọc thực phẩm bằng giấy bạc vì dễ gây cháy nổ.
Dương Chung (Theo https://dantri.com.vn)