Cách đây 65 năm, ngày 29/4/1958, Nghị quyết của kỳ họp thứ III Quốc hội (khoá I) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ đã quyết định thành lập Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng. Theo đó, Uỷ ban Hành chính tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ty Kiến trúc, tiền thân của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc ngày nay.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc, viết nên những trang sử truyền thống vẻ vang.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), ngành Xây dựng được đầu tư xây dựng một số xí nghiệp gạch ngói có trang bị bán cơ giới như : Xí nghiệp gạch ngói Quất Lưu, Đoàn Kết, Thái Hoà, nhà máy nước Vĩnh Yên và nhiều công trình quan trọng khác phục vụ cho sự phát triển KT- XH của tỉnh.
Thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy, khi Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc ngày mùng 2 tháng 3 năm 1963 : "Phải xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có và phồn vinh nhất Miền Bắc", ngành Xây dựng luôn chăm lo xây dựng các điển hình tiên tiến, phát huy phong trào sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Phong trào đóng gạch khuôn 2 và khuôn 4 cùng với phương pháp trát vảy trần bê tông của ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã trở thành điển hình của toàn Miền Bắc trong những năm của thập kỷ 60.
Suốt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, với tinh thần "Tay bay, tay súng" và với khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do", cán bộ, công nhân viên ngành Xây dựng đã cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, trực tiếp xây dựng hàng trăm công trình phục vụ sự nghiệp phát triển KT- XH, an ninh, quốc phòng, tạo cơ sở vật chất của CNXH ở Miền Bắc; đồng thời cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần cùng đồng bào chiến sỹ cả nước, đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong kế hoạch 5 năm (1981-1985), ngành Xây dựng đã xây dựng nhiều công trình có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt trong 15 năm (từ 1981-1996) ngành Xây dựng đã đưa hàng trăm lượt cán bộ, công nhân viên sang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, xây dựng giúp tỉnh Luông Nậm Thà kết nghĩa, nhiều công trình xây dựng được nước bạn đánh giá cao.
Ngành còn đóng góp công sức xây dựng 10.000 m2 nhà ở cho công trường thuỷ điện Hoà Bình; khảo sát, quy hoạch xây dựng giúp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và lập quy hoạch đồi rừng phục vụ hội nghị đồi rừng toàn quốc năm 1983 do tỉnh Vĩnh Phú đăng cai.
Sau khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập (từ ngày 1/1/1997 đến nay), mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát triển nhanh lực lượng. Đến năm 2003, toàn ngành có 10 doanh nghiệp nhà nước và 1 Trung tâm quy hoạch xây dựng và kiểm định chất lượng xây dựng công trình, 2 Công ty quản lý đô thị thuộc cấp huyện và hàng trăm doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế.
Năm 2005, đã thực hiện cổ phần hoá 8 doanh nghiệp, còn lại 2 Công ty cấp thoát nước và vệ sinh môi trường chuyển sang doanh nghiệp hoạt động công ích. Đến nay, số doanh nghiệp xây dựng thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh hoạt động về lĩnh vực xây dựng lên tới trên 800 doanh nghiệp.
Sau 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 26 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, nhiệm vụ của ngành Xây dựng rất nặng nề, trước yêu cầu xây dựng tái thiết tỉnh lỵ, phát triển KT- XH. Trước yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh, ngành Xây dựng đã phát huy truyền thống vẻ vang của mình, bám sát nhiệm vụ chính trị mà Đại hội tỉnh Đảng bộ Vĩnh Phúc các nhiệm kỳ đã đề ra; ngành đã không ngừng phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, tập trung sức đẩy mạnh toàn diện các lĩnh vực công tác quản lý nhà nước về xây dựng.
Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh công tác lập và quản lý quy hoạch, coi công tác quy hoạch phải đi trước một bước và là nhiệm vụ trọng tâm để tạo điều kiện cho phát triển KT- XH, nhằm thu hút, kêu gọi các nguồn lực đầu tư của tỉnh.
Có thể nói, ngành Xây dựng đã góp phần tích cực vào việc thay đổi bộ mặt kiến trúc xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao và tạo sự thay đổi vượt bậc, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH- HĐH của tỉnh.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; GDP bình quân đầu người liên tục tăng; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt cao, thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên trên 40.000 tỷ đồng năm 2022.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, các hoạt động văn hoá xã hội khác đều đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong những năm qua, ngành Xây dựng đã tham mưu để Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020.
Đó là cơ sở để từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị theo quy hoạch được phê duyệt. Đến nay, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu to lớn.
Về hạ tầng đô thị cũng được phát triển mạnh, các trục đường giao thông huyết mạch của tỉnh được đầu tư như: Các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ qua đô thị và một số tuyến đường mới đã được xác định tuyến và chuẩn bị đầu tư; theo đó là phát triển nâng cấp nhà máy nước Vĩnh Yên, Phúc Yên, cung cấp nước sạch cho thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và các khu công nghiệp Khai Quang, Bình Xuyên.
Công tác quản lý và phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn cũng không ngừng được quan tâm để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh. Đến nay Vĩnh Phúc đã có quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2020, quy hoạch khai thác cát sỏi đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng liên tục được hoàn thiện, bổ sung các chính sách về quản lý dự án đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng để đảm bảo công trình đầu tư có hiệu quả, tiết kiệm và chống thất thoát lãng phí vốn trong đầu tư, nhất là nguồn vốn Nhà nước.
Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013 về quản lý chất lượng công trình nhằm chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ chất lượng công trình trong các lĩnh vực khảo sát xây dựng, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình; quản lý về an toàn, giải quyết sự cố thi công, khai thác sử dụng và bảo hành công trình.
Năm 2014, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 đã ban hành Luật Xây dựng số 50/2014, sau đó các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng cũng được ban hành để thực hiện Luật Xây dựng.
Đây là sự thay đổi căn bản cách tiếp cận, đổi mới tư duy về quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình; là công cụ hữu hiệu để tăng cường sự kiểm soát của nhà nước về chất lượng các dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách.
Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã tham mưu để tỉnh, ban hành nhiều văn bản pháp quy cụ thể hóa Luật, Nghị định về xây dựng của Chính phủ và thông tư của Bộ Xây dựng. Vai trò quản lý nhà nước về xây dựng được nâng cao.
Công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được Sở Xây dựng thẩm định đảm bảo thời gian và chất lượng, tăng hiệu quả đầu tư của dự án, giúp chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng, lựa chọn được phương án đầu tư tối ưu.
Qua công tác thẩm tra, thẩm định, phát hiện nhiều sai sót trong hồ sơ thiết kế, dự toán như tính toán thiết kế chưa đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, áp dụng đơn giá, bù giá vật tư chưa theo nội dung công bố.
Qua đó đã chấn chỉnh công tác quản lý thiết kế, quản lý chi phí của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đi vào nề nếp, giúp chủ đầu tư lựa chọn đúng đơn vị tư vấn đủ năng lực thiết kế. Hạn chế đáng kể các lãng phí trong khâu thiết kế, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, làm tăng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư.
Công tác tư vấn thiết kế, quản lý dự án công trình đã có nhiều tiến bộ, từng bước nâng cao về trang thiết bị kỹ thuật và năng lực chuyên môn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng của tỉnh.
Công tác quản lý xây dựng cơ bản ở cấp huyện được chú trọng và phân cấp mạnh cho cơ sở. Các huyện, thành phố cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng làm tốt công tác thẩm tra, phê duyệt, kiểm tra công tác chuẩn bị đầu tư, cấp phép và giám sát xây dựng. Do đó, trong nhiều năm qua không có tình trạng sự cố lớn trong thi công xây dựng.
Ghi nhận công lao của Ngành trong những năm qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Xây dựng, các ngành Trung ương và UBND tỉnh đã tặng cho ngành Xây dựng Vĩnh Phúc nhiều phần thưởng cao qúy như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương lao động hạng Nhì (2003); Huân chương Lao động hạng nhất (2008); Huân chương Độc lập hạng Ba (2013); Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng chính phủ các năm 2007, 2008, 2010, 2013, 2018, 2022. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, của Công đoàn Xây dựng Việt Nam, LĐLĐ tỉnh và của TW Đoàn TNCSHCM. Gần 1.000 CBCNV trong ngành đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng".
Đạt được những thành tựu trên, trước hết, ngành Xây dựng Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Xây dựng; sự giúp đỡ của các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh và các cơ quan đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài ngành; sự đoàn kết, tinh thần lao động cần cù, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Xây dựng Vĩnh Phúc, đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, không ngừng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Thời gian tới, ngành Xây dựng tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển đô thị, thực hiện tốt chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2030-2050; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Tích cực nghiên cứu đề xuất quy hoạch phát triển các KCN và đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Tập trung QHCT các khu đô thị mới, khu tái định cư và đất dịch vụ để sắp xếp ổn định dân cư làm cơ sở triển khai các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; nghiên cứu quy hoạch các khu du lịch, quy hoạch chi tiết nông thôn mới... Phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đề ra.
Phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm xây dựng và trưởng thành, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Xây dựng Vĩnh Phúc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy và khai thác mọi nguồn lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý và sức cạnh tranh, tăng cường đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hoá, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý, không ngừng phát triển Ngành lớn mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc giàu đẹp và phồn vinh.
Nguyễn Đức Tài, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc